Xuất khẩu giảm, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, nhiều DN ngành thép vẫn báo tin tốt
Tiêu thụ thép trong nước tiếp tục tăng trưởng tích cực trong quý II, giúp cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép.
Tiêu thụ thép nửa đầu năm phục hồi
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), bán hàng thép thành phẩm quý II đạt 8,25 triệu tấn, tăng 10% so với quý I và tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu thép tiếp tục giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái xuống dưới 1,4 triệu tấn. Xuất khẩu thép HRC ghi nhận mức giảm mạnh nhất lên tới 45%.
Trong bối cảnh tình hình thuế quan ở các thị trường lớn diễn biến phức tạp, đà tăng trưởng của tiêu thụ thép được duy trì chủ yếu nhờ lực đỡ của thị trường nội địa khi Chính phủ đang đẩy mạnh việc triển khai các dự án đầu tư công, giúp hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thép.
Tính chung nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp tiêu thụ được 15,7 triệu tấn thép, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hầu hết mặt hàng thép đều ghi nhận tăng trưởng hai chữ số 10 - 18%, riêng tôn mạ giảm 8%.
Đáng lưu ý, hoạt động xuất khẩu nửa đầu năm lại giảm mạnh 32% so với cùng kỳ xuống 2,8 triệu tấn. Tỷ trọng tiêu thụ thép qua kênh xuất khẩu tính đến tháng 6 chỉ khoảng 16%, thấp hơn nhiều so với mức 28% của cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)
Nhiều doanh nghiệp báo tin tốt
Việc tiêu thụ thép cải thiện đã phần nào giúp kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành khởi sắc.
Mở màn cho khối doanh nghiệp ngành thép, Công ty cổ phần Thép Vicasa - Vnsteel (Mã: VCA) mới công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu vọt lên 574 tỷ đồng, tăng 65% so với quý II/2024 và là mức cao nhất kể từ quý II/2022 (cao nhất trong vòng 13 quý gần đây). Lãi trước thuế hơn 2,5 tỷ đồng, tăng 211% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thép Vicasa có doanh thu thuần 885 tỷ đồng, tăng trưởng 40%. Chi phí cao khiến lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 14% đạt gần 2,6 tỷ đồng.
Hay như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận mức lãi quý II cao nhất 13 quý. Cụ thể, doanh thu quý II đạt hơn 36.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 4.300 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời là mức cao nhất kể từ quý II/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt doanh thu hơn 74.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 23% so với cùng kỳ năm trước,thực hiện được 44% chỉ tiêu doanh thu và 51% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tập đoàn sản xuất 5,1 triệu tấn thép thô, tăng 17% so với 6 tháng đầu năm 2024. Bán hàng HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 5 triệu tấn, tăng 23% so với nửa đầu năm ngoái. Riêng thép cuộn cán nóng đạt mức tăng 42%.
Nhóm thép và các sản phẩm liên quan đóng góp chính với gần 90% vào doanh thu hợp nhất tập đoàn; Lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả cao với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng lần lượt 38% và 130%.
Tập đoàn này cho biết sẽ hoàn thành lò cao số 6, thuộc phân kỳ 2 của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào tháng 9/2025. Sau khi hoàn thành, sản lượng thép toàn Tập đoàn sẽ đạt tổng cộng 16 triệu tấn/năm, trong đó có 9 triệu tấn thép cuộn cán nóng, đáp ứng 100% nhu cầu với sản phẩm này trên thị trường Việt Nam.
Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý II, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã: TVN), cũng chia sẻ tích cực với lượng tiêu thụ thép của doanh nghiệp này trong nửa đầu năm nay tăng 20% so với cùng kỳ đạt hơn 2 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ thép dài tăng 30% và tôn mạ tăng 20%.
Với Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), công ty dẫn đầu thị trường về mặt hàng tôn mạ,cho biết quý III niên độ tài chính 2024 - 2025 (từ ngày 1/4/2025 đến ngày 30/6/2025), doanh thu hợp nhất ước giảm 12%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất HSG ước đạt 274 tỷ đồng gần như không đổi so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng của niên độ tài chính 2024 - 2025 (từ ngày 1/10/2024 đến ngày 30/6/2025), sản lượng hợp nhất doanh nghiệp ước đạt 1,42 triệu tấn, thực hiện 73% kế hoạch, doanh thu hợp nhất ước đạt 28.176 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 647 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra ở phương án cao (500 tỷ).
Việc Hoa Sen hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sớm hơn so với doanh thu và sản lượng cho thấy công ty đang có biên lợi nhuận cao hơn so với dự kiến.
Tại thị trường nội địa, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tận dụng lợi thế kinh doanh của các mặt hàng chủ lực tôn, ống thép, ống nhựa, doanh nghiệp còn tập trung phát triển chuỗi Siêu thị Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen Home trên toàn quốc.
Động lực nào cho ngành thép cuối năm?
Bức tranh triển vọng cho ngành thép từ nay đến cuối năm được xem vẫn còn nhiều điểm sáng. Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng nhu cầu xây dựng các dự án bất động sản dân dụng trong năm nay sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ vào ba động lực chính.
Đầu tiên, Chính phủ đã đưa nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý tại các dự án bất động sản. Thứ hai, tổng vốn FDI đăng ký 5 tháng đầu năm 2025 tại lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 150% so với cùng kỳ - mức cao nhất trong 8 năm gần đây. Cuối cùng, lãi suất hiện vẫn đang duy trì ở vùng thấp.
Đối với hoạt động xuất khẩu HRC, VPBankS cho rằng Hòa Phát sẽ ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu khoảng 3,3% trong năm nay nhờ hưởng lợi từ quyết định thuế CBPG của EU. Ngày 16/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định cuối cùng vụ điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Ai Cập, Nhật Bản và Việt Nam.
Theo đó, thép HRC Hòa Phát xuất khẩu vào châu Âu chịu thuế suất 0%, mức thuế châu Âu áp cho các doanh nghiệp khác của Việt Nam là 12,1%. Kết quả này tương tự so với đánh giá sơ bộ của EU đưa ra hồi tháng 4. Đối với các nhà cung cấp khác, thép cán nóng Nhật Bản nhập khẩu vào EU chịu mức thuế từ 6,9% - 30,4%, Ai Cập là 11,7%.
Bên cạnh đó,VPBankS cho rằng khả năng cao giá HRC tại Mỹ sẽ tiếp tục chênh lệch lớn so với HRC Việt Nam. Tính đến cuối tháng 6, giá HRC tại Mỹ cao hơn khoảng 80% so với Việt Nam.
Ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất HRC của Việt Nam được hưởng lợi từ mức thuế chống bán giá áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đầu tháng 7, Bộ Công Thương quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc với mức từ 23,1% đến 27,83%. Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 6/7 và kéo dài 5 năm, trừ khi được gia hạn, thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định.
Trên thực tế, kể từ khi áp dụng thuế CBPG tạm thời từ tháng 2, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh. Theo số liệu Hải quan Việt Nam, nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong nửa đầu năm nay giảm mạnh 22% xuống 4,4 triệu tấn. Mặc dù vẫn là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu thép lớn nhất nhưng tỷ trọng hàng từ Trung Quốc tính đến tháng 6 giảm xuống 65%, so với mức 73% của cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng này từng giảm xuống còn 52% hồi tháng 4.

Nguồn: Hải quan Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng , thuế CBPG dự báo tác động tích cực tới tiêu thụ HRC nội địa trong giai đoạn 2025 – 2026. Nhờ giảm mức độ cạnh tranh về giá đối với thép Trung Quốc, thị phần HRC nội địa được dự báo cải thiện lên mức 40% (so với khoảng 25% của năm 2024).
Đối với mảng thép xây dựng, MBS cho rằng giá có thể phục hồi từ quý III nhờ lượng tiêu thụ toàn ngành được dự báo tăng trưởng khoảng trên 15%. Bên cạnh đó, áp lực từ thép Trung Quốc hạ nhiệt do nước này cắt giảm mạnh sản lượng từ quý III.
MBS dự báo năm nay giá thép xây dựng có thể tăng 4 - 5% và HRC có thể tăng 3 - 4%.
Bên cạnh cơ hội, ngành thép Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro. Thực tế, tính riêng trong tháng 6, lượng tiêu thụ bắt đầu chững lại. VSA cho biết đây là tháng đầu tiên ghi nhận sản lượng - bán hàng các sản phẩm thép giảm sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp.
Thị trường thép bước vào mùa mưa nên nhu cầu tiêu thụ thép cho các dự án và dân dụng bắt đầu chững lại. Theo đó, bán hàng thép trong tháng 6 giảm 14% so với tháng 5 xuống 2,5 triệu tấn.
VPBankS cho rằng tiêu thụ HRC ở thị trường nội địa có thể chịu áp lực từ nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ sụt giảm. Theo đó, tổng lượng tiêu thụ tôn mạ năm 2025 có thể giảm 10%, chủ yếu do ảnh hưởng tiêu cực từ mức thuế chống bán phá giá và thuế đối ứng cùng nhu cầu tiêu thụ tôn mạ ở mức thấp tại thị trường Mỹ.
Xét về triển vọng dài hạn hơn,VPBankS chỉ ra 3 rủi ro trong năm 2026.
Đầu tiên, mức thuế tự vệ của Việt Nam đối với thép dài sẽ kết thức vào tháng 3/2026 nếu không được gia hạn thêm. Trong trường hợp thuế tự vệ hết hiệu lực và không được gia hạn,VPBankS cho rằng doanh nghiệp nội địa sẽ chịu rủi ro cạnh tranh về giá với sản phẩm thép xây dựng Trung Quốc nhập khẩu.
Thứ hai, cơ chế CBAM bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2026 làm giảm lợi nhuận đơn hàng xuất khẩu đi EU. Cụ thể, từ 1/1/2026, nhà nhập khẩu EU sẽ phải mua và xuất trình chứng chỉ CBAM cho lượng phát thải ròng của hàng hóa nhập khẩu tương ứng với mức giá và lộ trình hạn ngạch miễn phí của hệ thống ETS trong nội bộ EU.
Cuối cùng, lãi suất có thể tăng mạnh trở lại khiến hoạt động tài trợ vốn cho các dự án bất động sản khó khăn, ảnh hưởng gián tiếp tới nhu cầu tiêu thụ thép.