Xuất khẩu hồ tiêu: Nhận diện rõ thách thức để bứt phá, xuất khẩu bền vững

Nhiều năm qua, hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nước ta luôn đứng vị trí số 1 thế giới về sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Các chuyên gia nhận định, dư địa để phát triển, khai thác, xuất khẩu hồ tiêu còn rất lớn với nhiều lợi thế, song về lâu dài, nước ta nên tập trung cho bài toán liên kết để tạo vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, vùng trồng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Thị trường “ruột” tiềm ẩn nhiều thách thức

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu các loại của nước ta trong 4 tháng đầu năm đạt 102.539 tấn các loại, tăng 32,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó cũng ghi nhận tín hiệu vui khi giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 4 vừa qua đạt 3.157 USD/tấn, tăng 6,01% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 3/2023.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đang mua mạnh hạt tiêu. Tính đến hết tháng 4, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam với sản lượng đạt 35.914 tấn, tăng mạnh 1.430% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Trung Quốc chiếm đến 35% tổng khối lượng tiêu xuất khẩu của nước ta trong 4 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, tính theo từng tháng thì xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhẹ, trong tháng 4 giảm 36,4% so với tháng trước, chỉ đạt 9.995 tấn. Đây cũng là lo ngại của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh ngày một gia tăng từ các đối thủ.

Dự báo, lượng xuất khẩu tháng 5/2023 có thể cao hơn tháng trước. Mới hết gần 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 120 ngàn tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt hơn 58 triệu USD.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, quý I/2023, nguồn cung hồ tiêu cho Trung Quốc có sự chuyển dịch sang các thị trường Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, tốc độ nhập khẩu từ các thị trường trên ghi nhận mức tăng trưởng cao lên đến 3 con số.

Đặc biệt, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 39,36% trong quý I/2022 xuống 29,75% trong quý I/2023.

Việt Nam hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Ảnh: TL

Việt Nam hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, mới đây, đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh vừa thông báo, hạt tiêu của Campuchia đã hoàn tất các thủ tục theo quy định và có thể xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành danh sách các công ty và cơ sở hồ tiêu Campuchia đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của nước này. Theo đó, hiện đã có 28 đồn điền hồ tiêu và 7 nhà máy đóng gói đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng ký và cấp phép.

Về vấn đề này, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc Campuchia được xuất khẩu hồ tiêu trực tiếp sang Trung Quốc không có ảnh hưởng quá lớn đến xuất khẩu hồ tiêu nước ta. Bởi hiện gần 90% hồ tiêu của Campuchia xuất sang thị trường Việt Nam, sau đó xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 1.715 tấn hồ tiêu từ Campuchia.

Tuy nhiên, đối với thị trường Trung Quốc, điều đáng lo ngại hơn nằm ở thực tế nhiều năm qua, Việt Nam xuất khẩu tiêu sang thị trường này chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Vì lẽ đó mà gặp không ít rủi ro, nhất là tình trạng tắc nghẽn cửa khẩu do phía Trung Quốc đột ngột dừng mua, hủy kèo…

Mới đây, trong dự thảo Nghị định 14/2018/NĐ-CP về thương mại biên giới, Bộ Công thương đề xuất từ ngày 1/1/2025 sẽ giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trao đổi cư dân để hài hòa, đồng bộ với việc thay đổi chính sách đối với xuất khẩu hàng hóa theo hình thức trao đổi cư dân. Đến 1/1/2028, tất cả cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Khi nghị định này được thực thi sẽ tốt cho ngành hồ tiêu vì thương lái Trung Quốc sẽ không chia nhỏ lô hàng như hiện nay mà phải mua chính ngạch, cạnh tranh với các doanh nghiệp chính thống Việt Nam. Lúc đó, các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu chính ngạch sẽ được hưởng lợi. Song, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn từ phía Trung Quốc như phải có mã số vùng trồng được đăng ký với sở nông nghiệp các địa phương cấp; vùng trồng đạt được chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP, ASEANGAP) hoặc chứng nhận tương đương được Việt Nam và quốc tế công nhận…

Vượt qua rào cản lớn nhất: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Gầy đây, yêu cầu và quy định của thị trường nhập khẩu về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng và ngày càng khắt khe. Nhiều thị trường nhập khẩu liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát và siết chặt quy định MRLs đối với thực phẩm nói chung, trong đó bao gồm cả gia vị của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu hồ tiêu của nước ta hiện nay là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó là các thách thức về môi trường (giảm phát thải carbon), khuyến khích mô hình canh tác bền vững, mô hình trồng xen một cách bền vững…

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hồ tiêu đen, tỷ trọng chiếm 81,2% tổng lượng và chiếm 74,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của cả nước. Ảnh: TL

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hồ tiêu đen, tỷ trọng chiếm 81,2% tổng lượng và chiếm 74,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của cả nước. Ảnh: TL

Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu năm 2022 (theo ITC), trong đó phải kể đến vị trí hàng đầu, chiếm thị phần nhập khẩu lớn tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông của một số gia vị Việt Nam như hồ tiêu, quế và hồi… Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025.

Hơn thế nữa, ngành xuất khẩu chủ lực này hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế: Sản xuất còn nhỏ lẻ; thiếu kết nối giữa doanh nghiệp - nông dân, nông dân - nhà chế biến; hạn chế về vai trò trung gian cầu nối giữa khối tư - khối công, giữa nhà nước - doanh nghiệp; công tác nghiên cứu về thị trường chưa hiệu quả…

Để vượt qua thách thức nêu trên, tạo môi trường bền vững cho xuất khẩu hồ tiêu, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Từ sự hỗ trợ về tiếp cận thông tin thị trường, quy định của nước nhập khẩu đến nguồn vốn, công nghệ.

Đáng chú ý, các chuyên gia cũng nhận định, dư địa để phát triển và khai thác, xuất khẩu hồ tiêu vẫn còn rất lớn với những lợi thế tự nhiên cùng lợi thế thị trường (khi một loạt FTA đi vào thực thi, nhóm hàng cây gia vị có lợi thế so sánh khá cao).

Do đó, về lâu dài, theo các chuyên gia, nước ta nên tập trung cho bài toán liên kết để tạo vùng nguyên liệu, thay thế và loại bỏ dần những diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Thông qua đó, sản phẩm Việt sẽ nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường xuất khẩu lớn./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-ho-tieu-nhan-dien-ro-thach-thuc-de-but-pha-xuat-khau-ben-vung-128815.html