Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ cao nhất lịch sử trong tháng 3

Mỹ lập kỷ lục xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tháng 3, vượt mốc 9 triệu tấn, khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu.

Theo dữ liệu sơ bộ từ LSEG, tháng 3/2025, Mỹ đạt mốc xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cao nhất từ trước đến nay, đạt 9,3 triệu tấn LNG triệu tấn, vượt xa kỷ lục 8,6 triệu tấn ghi nhận vào tháng 12/2023. Cột mốc mới không chỉ củng cố vai trò của Mỹ với tư cách quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, mà còn phản ánh chiến lược đẩy mạnh ngành năng lượng nội địa dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc nhà máy Plaquemines LNG (giai đoạn 1) tại Louisiana - do Venture Global Inc vận hành - đi vào hoạt động sớm và đạt hiệu suất 140% công suất thiết kế. Chỉ riêng nhà máy này đóng góp 0,82 triệu tấn, tương đương khoảng 9% tổng lượng xuất khẩu của Mỹ trong tháng.

Xuất khẩu khí LNG tại Mỹ cán mốc 9,3 triệu tấn trong tháng 3. (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu khí LNG tại Mỹ cán mốc 9,3 triệu tấn trong tháng 3. (Ảnh minh họa)

Châu Âu tiếp tục là thị trường tiêu thụ LNG lớn nhất của Mỹ, nhập 6,47 triệu tấn - chiếm khoảng 70% tổng lượng xuất khẩu dù có giảm nhẹ so với mức 82% trong tháng trước. Nhu cầu tiêu thụ LNG tại châu Á cũng tăng mạnh, khi xuất khẩu LNG sang khu vực này đạt 1,64 triệu tấn trong tháng 3, tăng gấp đôi so với 0,69 triệu tấn trong tháng 2, nâng tỷ trọng lên 17%.

Giá khí đốt tại cả hai thị trường ghi nhận xu hướng giảm. Tại châu Âu, giá TTF trung bình đạt 13,21 USD/MMBtu, giảm so với mức 15,28 USD/MMBtu của tháng trước. Ở châu Á, giá JKM giảm xuống 13,50 USD/MMBtu.

Song song với sự bùng nổ về sản lượng, chính quyền Mỹ đang chuẩn bị thay đổi chính sách nhằm gỡ bỏ một trong những rào cản lớn nhất với các dự án xuất khẩu LNG.

Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) dự kiến bãi bỏ quy định yêu cầu các dự án LNG phải bắt đầu xuất khẩu trong vòng 7 năm kể từ khi được cấp phép - chính sách được ban hành vào tháng 4/2023 dưới thời Tổng thống Joe Biden. Theo ngành công nghiệp khí đốt, mốc thời gian này quá ngắn, không phù hợp với thực tiễn triển khai các dự án quy mô lớn, đặc biệt khi nhắm đến các thị trường ngoài hiệp định thương mại tự do như châu Á và châu Âu.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG – Liquefied Natural Gas) là khí tự nhiên được làm lạnh sâu đến -162°C để chuyển từ thể khí sang thể lỏng. Quá trình này giúp giảm thể tích khí xuống còn 1/600, thuận tiện cho việc lưu trữ và vận chuyển, đặc biệt là đến những nơi không có hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên.

So với các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống, LNG được xem là lựa chọn thân thiện hơn với môi trường. Việc sử dụng LNG thay cho than đá giúp giảm tới 40% lượng phát thải CO₂. Nếu so với dầu mỏ, thì mức giảm là khoảng 30%. LNG cũng gần như không thải ra bụi mịn và giảm tới 90% lượng NOx - một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

LNG được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Trong ngành năng lượng, LNG là nguồn nhiên liệu chính cho các nhà máy điện khí, cung cấp điện ổn định và ít phát thải hơn so với than hay dầu. Trong công nghiệp, LNG được dùng trong các quá trình đốt, sấy, nung, đặc biệt trong ngành luyện kim, chế biến thực phẩm và hóa chất. Ngoài ra, LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông.

Thanh Trà (Nguồn: Finance Yahoo)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xuat-khau-khi-tu-nhien-hoa-long-cua-my-cao-nhat-lich-su-trong-thang-3-ar933123.html