Xuất khẩu khởi sắc, đầu tư công vẫn vướng mắc
Nông sản được giá, xuất khẩu tăng mạnh, đó là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội các tỉnh Tây Nguyên những tháng đầu năm 2024. Nhưng các địa phương vẫn chưa gỡ được vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.
Điều này đòi hỏi các tỉnh phải tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" theo chỉ đạo của Chính phủ mới có thể đạt được các chỉ tiêu của năm 2024.
Giá cà phê và hồ tiêu liên tục tăng cao từ năm ngoái (2023), đến nay đã vượt mốc 100.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân Tây Nguyên. Ưu thế từ các loại nông sản này cũng giúp cho hoạt động xuất khẩu của các tỉnh đạt kim ngạch khá cao trong các tháng đầu năm 2024.
Như tại tỉnh Gia Lai, giá trị xuất khẩu quý 1 được hơn 306 triệu USD, đạt 40% kế hoạch năm. Tại tỉnh Đắk Lắk, kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 495 triệu USD, tăng khoảng 30% so với quý 1 năm 2023. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, cùng với giá cả giúp nâng cao kim ngạch, nông sản xuất khẩu đầu năm 2024 còn có những tín hiệu đáng mừng khác.
“Có thêm những sản phẩm mới, doanh nghiệp mới và thị trường mới như là yến sào. Thứ hai là khoảng 14 mặt hàng trái cây rau củ quả xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc thì Đắk Lắk hầu như có đủ các mặt hàng này. Và cái quan trọng nữa là hàng nông sản chế biến sâu để xuất khẩu mang tên tuổi nhãn hiệu của Đắk Lắk đã bắt đầu có mặt trên các kệ phân phối cao cấp của nước ngoài” - ông Huỳnh Ngọc Dương nói.
Nông sản được giá, xuất khẩu khởi sắc là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên những tháng đầu năm. Dẫu vậy, những rào cản trong phát triển của các địa phương vẫn hiện hữu: đó là tình trạng hạn hán đang diễn ra trên diện rộng, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình trọng điểm, việc chậm trễ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công…
Ngoài tỉnh Kon Tum, hầu hết các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên đều có mức giải ngân trong quý 1 thấp dưới mức bình quân chung cả nước (13,67%). Hai năm liên tiếp Gia Lai chậm giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm.
Tại hội nghị mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, yêu cầu lập các tổ công tác để gỡ vướng cho từng ngành, lĩnh vực: “Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Chủ động khắc phục những hạn chế để tiếp tục cố gắng đôn đốc, phân bổ triển khai các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là triển khai ba chương trình mục tiêu Quốc gia”.
Tại tỉnh Đắk Lắk, một số dự án triển khai chậm đã nhiều năm nhưng chưa cải thiện. Điển hình như Dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, là công trình trọng điểm chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, phải hoàn thành trong năm nay nhưng hiện vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Trực tiếp đi kiểm tra dự án, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, vốn không thiếu, quy định không vướng, mà “việc vẫn phải chờ cán bộ” cho thấy các cơ quan, đơn vị chưa làm hết trách nhiệm.
“Đề nghị các đồng chí Chủ tịch (UBND huyện, thành phố) phải quyết liệt, nếu không là còn nằm trên giấy thôi. Có những việc phải giao ban hàng tuần, đặt lên bàn lãnh đạo ủy ban, để kiểm tra dự án công trình này tới đâu thì mới có các phương án xử lý cụ thể” - ông Phạm Ngọc Nghị nói.
Cán bộ phải sát sao thì công việc mới hanh thông, đây cũng là chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông tại hội nghị Ban chấp hành đảng bộ tỉnh. Ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông thông tin: Dự án đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Chính phủ đã có tờ trình kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, với chiều dài 128,8 km, quy mô 4 làn xe đầy đủ, tổng mức vốn đầu tư sơ bộ 25.540 tỷ đồng. Tỉnh phải chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tốt dự án, tạo đột phá phát triển.
“Tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ ngành Trung ương và tỉnh Bình Phước để kịp thời triển khai ngay các nội dung liên quan đến dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) khi có chủ trương đầu tư của các cơ quan thẩm quyền. Do đó UBND tỉnh, Sở giao thông vận tải, huyện Đắk Lắk vào cuộc ngay, xây dựng kế hoạch ngay, tái định cư ở đâu, lo đời sống nhân dân thế nào, đảm bảo an sinh xã hội như thế nào…? Tôi đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành liên quan phải bám nắm thường xuyên” - ông Ngô Thanh Danh yêu cầu.
Những tháng đầu năm 2024, các tỉnh Tây Nguyên đã giữ vững ổn định an ninh chính trị, kinh tế xã hội có những tín hiệu phát triển nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Rõ ràng để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2024, các địa phương cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-khoi-sac-dau-tu-cong-van-vuong-mac-post1089816.vov