Xuất khẩu khởi sắc, dự báo vượt kế hoạch năm
Bình Dương kịp thời mở cửa, trở lại trạng thái 'bình thường mới', linh hoạt thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh đã giúp hoạt động xuất khẩu của tỉnh nhanh chóng tăng trưởng trở lại. Kỳ vọng xuất khẩu sẽ bứt phá trong 'thời điểm vàng' cuối năm, dự báo sẽ vượt kế hoạch cả năm.
Ngành gỗ, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty Phú Đỉnh, Cụm công nghiệp Thanh An, huyện Dầu Tiếng
Linh hoạt thích ứng
Bắt nhịp được đà tăng trưởng từ cuối quý III-2021, trong tháng 10, ngay sau khi trở lại ổn định sản xuất, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh uớc đạt 2,27 tỷ đô la Mỹ, tăng 19,9% so với tháng trước. Con số này vẫn giảm so với cùng kỳ khoảng 18,3%, tuy nhiên đã đánh dấu sự khởi sắc trong tình hình dịch bệnh. Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 26,44 tỷ đô la Mỹ, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Kết quả đó đặt ra kỳ vọng về khả năng vượt chỉ tiêu 12% so với năm 2020 .
Đến nay, một số ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã phục hồi sản xuất sớm hơn dự đoán. Các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu gỗ đang nỗ lực chủ động áp dụng nhiều giải pháp vượt khó về thiếu lao động cũng như chi phí đầu vào tăng cao để tăng tốc sản xuất. Với đà tăng trưởng hiện tại, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm tự tin về đích khoảng 14,5 tỷ đô la Mỹ. Các DN đã và đang tìm mọi biện pháp để thích ứng trong tình hình mới. Các DN ngành gỗ cũng đã có những kế hoạch chiến lược để phục hồi sản xuất rất cụ thể, trong đó có lộ trình cho giai đoạn 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng. Mấu chốt là DN phải sắp xếp sản xuất hợp lý theo kế hoạch cung ứng nguyên vật liệu để kịp cung ứng đơn hàng.
Ngoài khó khăn về lao động, nguồn cung gỗ đầu vào khá khan hiếm, chi phí nguyên vật liệu rất cao trong khi nhu cầu tại thị trường Mỹ, Nhật đang tăng cũng là khó khăn nổi cộm DN phải đối mặt. DN không thể tăng giá bán ngay, chỉ có thể thông báo cho khách hàng về khó khăn hiện tại để họ ưu đãi thanh toán sớm hơn cho DN. Sau đó DN lại dùng tiền đó thanh toán cho các nhà cung cấp khác.
Sự chia sẻ kịp thời của các đối tác nước ngoài đã giúp DN trong nước có thêm điều kiện để phục hồi. Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Ván ép Nhật Nam, cho biết DN này đang giữ chân lao động bằng cách áp dụng chế độ ưu đãi đối với lực lượng nòng cốt, gắn bó trong suốt quá trình áp dụng “3 tại chỗ” vừa qua. “Với những người không tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, DN vẫn hỗ trợ lương thực, tiền hàng tháng để họ duy trì cuộc sống. Đầu tháng 11-2021, DN chuyển sang sản xuất “3 xanh”, công nhân vào làm việc được hỗ trợ ngay 1 triệu đồng, đồng thời tăng cường tuyển dụng công nhân mới”, ông Nhật nói.
Thị trường rộng mở
Theo đánh giá của ngành công thương, sở dĩ có những kết quả trên là do dịch bệnh đã được kiểm soát, người lao động trong các DN đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, tốc độ phục hồi ngành công nghiệp khá tốt. Công nghiệp phục hồi nhanh sẽ giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt tại các DN, năm nay kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có khả năng sẽ vượt so với kế hoạch đề ra.
Hiện các DN trên địa bàn tỉnh đã biết tận dụng lợi thế từ những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực. Các hiệp định mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản… Các DN cần linh động trong việc liên hệ trực tiếp với các nhà cung ứng, ưu tiên thanh toán sớm cho DN cung cấp nguyên phụ liệu.
Về vấn đề đơn hàng, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, đánh giá: “Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ, sản xuất dệt may, giày dép bị giảm công suất đã ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và nhiều người tiêu dùng chịu tác động trực tiếp. Do đó, hiệp hội có những giải pháp hỗ trợ DN khôi phục sản xuất và chuỗi cung ứng. Đồng thời, hiệp hội đề xuất các nhãn hàng có sự chia sẻ, hỗ trợ các DN Việt để nhanh chóng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch phụ trách cung ứng khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Adidas, việc tái khởi động sản xuất trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch đã giúp cho các DN dệt may, giày dép tại Việt Nam mạnh dạn hơn trong đầu tư sản xuất. DN da, giày ở Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ nhiều năm với các khách hàng trên thế giới, nhiều đối tác đã chia sẻ khó khăn bằng cách cho kéo dài thời gian giao hàng, chỉ chuyển những đơn hàng gấp đến khu vực khác; đồng thời, nhiều khách hàng cam kết khi các DN phục hồi sản xuất sẽ tiếp tục ưu tiên đơn hàng.
Nhìn lại 10 tháng của năm 2021, có đến 3 tháng DN chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 95% DN sản xuất dưới mức bình thường. Thực tế, có hàng trăm DN sản xuất, xuất khẩu phải dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 10, xuất khẩu vẫn tăng gấp hơn 1,5 lần so với kế hoạch năm. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 5 tỷ đô la Mỹ, tăng 23,5% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 21,38 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,4%. Bình Dương duy trì xuất siêu 5 tỷ đô la Mỹ.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/xuat-khau-khoi-sac-du-bao-vuot-ke-hoach-nam-a260679.html