Xuất khẩu lâm sản tăng hơn 18%
Tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu ngành nông nghiệp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2019 đạt 1,031 tỷ USD, tăng 16% so với với cùng kỳ 2018.
Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,66 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu lâm sản của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là 5 thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là đồ gỗ nội thất, đồ gỗ xây dựng, gỗ dán, ghép thanh; Nhật Bản là dăm gỗ, đồ gỗ nội thất, đồ gỗ xây dựng, gỗ ván dán, ghép thanh, viên nén; Trung Quốc là dăm gỗ, gỗ dán, đồ nội thất, gỗ xẻ, đồ gỗ xây dựng; EU chủ yếu là đồ gỗ nội thất...
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đạt 1,673 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, xuất siêu lâm sản đạt trên 5,4 tỷ USD.
Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là 10 quốc gia gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Chi Lê, Đức, Brazil, New Zealand, Pháp, chiếm khoảng 60% giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Về khai thác rừng trồng tập trung phục vụ cho nhu cầu chế biến gỗ, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong tháng 8 khai thác được khoảng 18.100 ha, sản lượng ước khoảng 1,68 triệu m3.
Lũy kế 8 tháng khai thác đạt 139.400 ha, với sản lượng khoảng 13 triệu m3, tương đương 66,7% kế hoạch năm 2019, tăng 5,4 % so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện nay, cả nước đã trồng 135.867 ha rừng tập trung (đạt 64,0% kế hoạch năm); bằng 91,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó rừng sản xuất đạt 131.223 ha, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2018.
Các địa phương đã chuẩn bị được 549,8 triệu cây giống các loại phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2019.
Diện tích trồng rừng đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 do nắng nóng. Một số tỉnh đang trong mùa vụ trồng rừng có diện tích kế hoạch trồng rừng lớn bị giảm như: Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình.../.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/xuat-khau-lam-san-tang-hon-18-/132783.html