Xuất khẩu lao động có nhiều điểm sáng

7 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu lao động có nhiều điểm sáng khi số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường xuất khẩu lao động được mở rộng.

Thông tin về tình hình lao động, việc làm 7 tháng đầu năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, trong 7 tháng năm 2024, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác tuyển chọn, đào tạo lao động được quản lý chặt chẽ hơn. Thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật được chú trọng.

Theo thống kê, trong 7 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 89.874 lao động, đạt 71,89% kế hoạch năm 2024. Năm 2024, mục tiêu đặt ra là đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện các thị trường ngoài nước tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề công việc như: Sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ, với điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Với thị trường Nhật Bản, tháng 6 vừa qua, Quốc hội nước này đã thông qua Luật Kiểm soát nhập cư sửa đổi, thay thế hệ thống đào tạo kỹ thuật cho người lao động nước ngoài hiện tại, bằng hệ thống đào tạo và việc làm mới của Nhật Bản nhằm khuyến khích người lao động nước ngoài làm việc lâu hơn. Qua đó, giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dân số già hóa tại quốc gia này.

Cơ chế lao động nước ngoài mới được thiết kế để thúc đẩy và thu hút nhân tài nước ngoài, cũng như giúp những người lao động thiếu kinh nghiệm có được các kỹ năng cần thiết. Nhờ đó, trong vòng 3 năm, họ có thể chuyển sang chương trình kỹ năng đặc định dành cho lao động có tay nghề. Cơ chế này cũng nhằm thay thế Chương trình thực tập sinh kỹ năng được thực hiện từ năm 1993, với danh nghĩa phát triển các kỹ năng kỹ thuật của người lao động nước ngoài từ các quốc gia đang phát triển.

Theo cơ chế mới, người lao động nước ngoài giờ đây có thể thay đổi công ty sử dụng lao động trong cùng ngành với một số điều kiện nhất định, miễn là họ đã làm việc ở một nơi trong hơn 1 năm, và bảo đảm khả năng tiếng Nhật, cũng như chuyên môn có thể đáp ứng các yêu cầu nhất định.

Ngoài ra, theo chương trình mới, các tổ chức giám sát, hoạt động như các bên môi giới và công ty giám sát tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, sẽ được đổi tên thành "các tổ chức hỗ trợ giám sát". Các công ty tư nhân sẽ bị loại khỏi hoạt động hỗ trợ chuyển việc, nhằm ngăn chặn những kẻ môi giới lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người lao động, để chèn ép và trục lợi.

Để triển khai các công việc, sớm tiếp cận luật mới của Nhật Bản, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, và các đơn vị phái cử của Việt Nam tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi xuất cảnh, đặc biệt là đào tạo về ngoại ngữ đạt trình độ tiếng Nhật N5. Đồng thời, Bộ cũng đang giao các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn các nội dung, để sớm ký kết lại các bản ghi nhớ với các cơ quan chức năng của Nhật Bản, nhằm triển khai tốt luật mới trên.

P.Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xuat-khau-lao-dong-co-nhieu-diem-sang-174773.html