Xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo ở Pác Nặm
Xác định giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động là cách giảm nghèo hiệu quả, thời gian qua huyện Pác Nặm đã đề ra những giải pháp thiết thực, cụ thể để công tác này đạt được kết quả cao.
Anh Lý Văn Quý, người dân tộc Dao, thôn Nà Mòn, xã An Thắng là một trường hợp điển hình trong xuất khẩu lao động. Trước đây, thu nhập của gia đình anh Quý chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô nên việc sửa sang nhà cửa, đầu tư sản xuất và làm giàu của anh gần như không thể thực hiện được.
Đầu năm 2017, anh Quý quyết định sang thị trường Nhật Bản lao động và làm việc cho một nông trại ở tỉnh Nagano. Công việc chủ yếu của anh là trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại cây nông nghiệp, thu nhập bình quân đạt từ 20-30 triệu đồng/tháng.
Sau khi hết hợp đồng, trở về Việt Nam với số tiền đã tích góp được cùng với kinh nghiệm học được ở nền nông nghiệp Nhật Bản, anh Quý vận dụng cho mô hình chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình. Với cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương, đến nay gia đình anh Lý Văn Quý đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mới đây, anh còn đầu tư mua máy xúc về phục vụ các công trình xây dựng ở địa phương và các xã lân cận. Trong đó, thu nhập từ máy công trình của anh Quý đạt từ 15 đến 40 triệu đồng/tháng.
Đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của ngôi nhà mới rộng hơn 100m2, anh Ma Ngọc Hòa, thôn Nà Tậu, xã Công Bằng chia sẻ: Năm 2016, anh mạnh dạn vay vốn đi xuất khẩu lao động sang thị trường Ả Rập-Xê Út, bình quân mỗi tháng trừ chi phí vẫn còn tích lũy được 15 triệu đồng, thời điểm đó mức thu nhập này cao hơn so với làm việc ở nhà. Sau hơn 3 năm, trở về địa phương anh lại tiếp tục đi làm công nhân cho một công ty ở tỉnh Bắc Ninh với tiền lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Qua tích cóp nhiều năm, đến nay anh đã xây được căn nhà trị giá hơn 800 triệu đồng.
Giáo Hiệu là một trong những xã của huyện Pác Nặm làm tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Từ đầu năm 2023 đến nay, xã đã giải quyết việc làm cho 77 người, đạt 102% kế hoạch giao. Trong đó đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đạt 50/75 lao động; thông qua xuất khẩu lao động có 27/10 lao động, đạt 270% kế hoạch. Người lao động đã mạnh dạn vay vốn giải quyết việc làm tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với tổng số vốn vay đạt gần 2,5 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 41/25 lao động, đạt 164% kế hoạch.
Theo đánh giá của đồng chí Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm: Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; chủ động phối hợp với các công ty trong và ngoài nước để tư vấn, tuyển dụng người lao động đi làm việc, nên trong mấy năm gần đây, việc giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, xuất khẩu lao động mang lại nguồn thu nhập cao, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân.
Năm 2022, với nhiều giải pháp, huyện Pác Nặm đã giải quyết việc làm cho 1.936 lao động tại các xã, đạt 193,6% kế hoạch, tăng 43,83% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đạt 1.438 người; xuất khẩu lao động 343 người, đạt 343% kế hoạch; tạo việc làm mới cho 681 lao động, đạt 170,2% kế hoạch. Riêng xuất khẩu lao động được gần 400/140 lao động, đạt trên 250% kế hoạch đề ra. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã triển khai cho vay xuất khẩu lao động theo Nghị định 61/2015 với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm tại địa phương với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy, xuất khẩu lao động đang là hướng đi hiệu quả, được huyện Pác Nặm xác định tập trung chú trọng nhiều hơn trong thời gian tới./.