Xuất khẩu lao động - Hướng thoát nghèo ở Pác Nặm

Thời gian qua, thị trường lao động việc làm chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã trở lại trạng thái “bình thường mới”. Huyện Pác Nặm đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tạo việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu lao động, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương.

An Thắng là xã vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xuất khẩu lao động được coi là một trong những giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo của xã. Ông Lý Văn Sếnh- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Là xã vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đông. Thời gian qua, nhiều người dân trong xã đã lựa chọn xuất khẩu lao động để tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Người trẻ tuổi, có sức khỏe tốt tham gia xuất khẩu lao động sau 2 - 3 năm hết thời hạn trở về là tích lũy được một khoản vốn để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, xã có 05 trường hợp xuất khẩu lao động ở các thị trường Nhật Bản và Đài Loan.

Thực hiện Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, việc tăng cường thông tin về thị trường lao động, đa dạng hình thức kết nối cung cầu nhân lực gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh được huyện Pác Nặm được đẩy mạnh. 5 tháng đầu năm 2022, huyện đã giải quyết việc làm cho 1.249 lao động, đạt 124,9% kế hoạch, trong đó có 1.165 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; xuất khẩu lao động ở nước ngoài 84 lao động, tạo việc làm mới cho 244 lao động, đạt 61% kế hoạch. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn giải quyết việc làm cho lao động có nhu cầu tìm việc làm, giới thiệu 10 công ty, doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc trong nước và lao động có thời hạn ở nước ngoài. Những tháng đầu năm, huyện đã tổ chức tư vấn đào tạo nghề và bố trí việc làm tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại 06 xã (Nhạn Môn, Bằng Thành, Cổ Linh, Công Bằng, An Thắng, Nghiên Loan). Cùng với đó, đẩy mạnh nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, doanh số cho vay xuất khẩu lao động hơn 8,4 tỷ đồng với 105 lao động được vay.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Hội nghị giới thiệu việc làm tại xã Bộc Bố.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Hội nghị giới thiệu việc làm tại xã Bộc Bố.

Là địa phương có phong trào xuất khẩu lao động mạnh nhất huyện Pác Nặm, nhiều hộ dân ở xã Cao Tân đã thoát nghèo và vươn lên khá giả. Trung bình mỗi lao động gửi về nước 10 - 15 triệu đồng/tháng, một số lao động ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan có mức gửi trên 15 triệu đồng/tháng. Đây chính là động lực để người dân đưa con em mình đi lao động tại nước ngoài. Nhiều lao động có công việc ổn định, chỉ chưa đầy một năm sau đã trả xong số tiền vay ngân hàng và gửi tiền về cho gia đình.

Có thể thấy, việc đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp và xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện tốt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của Pác Nặm. Sau khi hết thời hạn trở về, những lao động này sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề và trở thành nhân tố tích cực trong phát triển kinh tếở địa phương.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về XKLĐ, mới đây, huyện Pác Nặm phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở cho cán bộ Đoàn 10 xã và hơn 200 đoàn viên, thanh niên đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Nội dung tập huấn giới thiệu về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm... Đại diện một số công ty làm công tác XKLĐ cũng giới thiệu, thông tin tuyển dụng, nhu cầu việc làm, tiền lương, thu nhập và các chế độ chính sách khác cho người lao động khi đi làm việc tại các thị trường nước ngoài…

Đồng chí Hoàng Thị Duyên- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: Những năm qua, công tác xuất khẩu lao động ở huyện Pác Nặm được các cấp chính quyền và người dân thường xuyên quan tâm. Nhiều lao động của địa phương tham gia xuất khẩu lao động có việc làm ổn định. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho bà con, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của địa phương./.

Nguyễn Nghĩa

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202205/xuat-khau-lao-dong-huong-thoat-ngheo-o-pac-nam-b7a0e72/