Xuất khẩu lao động - kinh nghiệm từ thực tiễn

Số lượng lao động trong tỉnh An Giang đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tăng hàng năm, nhưng kết quả chưa tương xứng với tiềm năng nguồn lực lao động hiện có. Lắng nghe chính người trong cuộc đã và đang tham gia làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài chia sẻ là một trong những cách tuyên truyền thuyết phục mà các địa phương hướng đến, nhằm tác động người dân chủ động tìm hiểu, đăng ký tham gia làm việc.

Nguyễn Thị Như Ý (sinh năm 2000, mới vừa tốt nghiệp THPT) cho biết, bản thân vừa trúng tuyển ngành nhà hàng khách sạn, trong tháng 1 này sẽ xuất cảnh sang Nhật Bản. Thời gian học tập chuẩn bị hành trang của riêng mình, Như Ý rất yên tâm vì được công ty hỗ trợ tối đa các điều kiện như: chỗ ăn ở, phương tiện đi lại, tài liệu, chương trình đào tạo bài bản, học về kỹ năng, văn hóa nước bạn. Sự quan tâm và tấm lòng của các anh chị tại công ty đào tạo giúp Như Ý thêm vững tinh thần.

Còn gia đình ông Phan Văn Thái (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, An Giang) có 2 người con gái đang làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản. Vợ ông Thái làm công nhân, còn ông làm thuê, mướn với đủ các công việc.

Ông Thái trải lòng: “Ai cũng mong muốn có cơ hội để cải thiện cuộc sống tốt hơn. Nhưng kỳ vọng bao nhiêu thì nỗi lo lắng lớn bấy nhiêu, không biết quy trình đưa đi làm việc có đúng hay không, con mình phải tự lập nơi xứ lạ như thế nào”.

Tâm tư đó được Trung tâm Giới thiệu việc làm và công ty giải tỏa phần nào cho ông Thái. Cô con gái lớn nay vừa học, vừa làm với thu nhập 38-40 triệu đồng/tháng. Số tiền gửi về được tích lũy giúp ông bà trả hết các khoản nợ vay và mở một quán nước giải khát trước cổng Khu công nghiệp Phú Hòa để làm sinh kế lâu dài; người con gái thứ 2 cũng vừa theo chị đi làm ở Nhật Bản đã được 2 tháng. Ông bà Thái đã đem chính câu chuyện của gia đình mình làm thực tế minh chứng với họ hàng, chòm xóm láng giềng.

Lao động, thân nhân trao đổi với lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về chính sách, thắc mắc liên quan việc xuất khẩu lao động

Những trường hợp thực tế về gia đình, người lao động (NLĐ) đã đi làm việc nước ngoài hay chuẩn bị đi làm là hiệu quả thực tiễn nhưng ít người biết đến. Đánh giá công tác xuất khẩu lao động năm 2019, khó khăn được các địa phương phân tích là khâu tuyên truyền. NLĐ có nhu cầu thì thiếu thông tin cần thiết, các đầu mối liên hệ chủ yếu biết qua người quen và người từng đi xuất khẩu lao động trở về. Trong khi đó, nhiều câu chuyện liên quan xuất khẩu lao động thương tâm được lan truyền theo hướng sai lệch, vô hình trở thành rào cản tâm lý người dân thêm e ngại.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tịnh Biên Nguyễn Thị Huệ dẫn chứng thực tế tại địa bàn miền núi: nguồn lao động chủ yếu là các nghề phổ thông, trong khi thị trường lao động nước ngoài đòi hỏi ngày càng cao về trình độ tay nghề, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật… Một số người từng đi xuất khẩu lao động trước đây theo công ty môi giới nên thu nhập, việc làm không hiệu quả, gây tâm lý không tốt cho NLĐ. Những khó khăn này đã ảnh hưởng công tác vận động lao động xuất khẩu trên địa bàn.

Tại huyện Phú Tân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Võ Thanh Tùng thông tin thêm, do NLĐ ngán ngại học ngoại ngữ, hậu quả để lại của thị trường Malaysia còn in sâu trong cộng đồng, tác động xấu đến thị trường lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, chi phí đi lao động nước ngoài khá cao, nhiều hộ dân có hoàn cảnh quá khó khăn không lo nổi số tiền; một số xã chưa quan tâm đúng mức và quyết liệt, còn mơ hồ về hiệu quả, sợ trách nhiệm… Huyện đã thực hiện 2 nhóm giải pháp: tạo tư tưởng thông suốt trong nội bộ, giao chỉ tiêu vận động đăng ký cho từng xã, thị trấn; song song với đó là tuyên truyền thay đổi nhận thức cộng đồng, tạo niềm tin của gia đình và chính bản thân NLĐ. Các buổi tuyên truyền, tọa đàm, tư vấn trực tiếp đã thu hút gần 1.400 người tham gia. Kết quả năm 2019, toàn huyện có 102 người đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Tháng 10-2019, có 46 người xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan; còn 56 lao động đang tiếp tục học ngoại ngữ chờ dự tuyển.

Ông Trương Vĩnh Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MIF (thành viên Tập đoàn Sao Mai) chia sẻ, tham gia hoạt động lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng từ tháng 7-2018, công ty mong muốn hoạt động đưa lao động đi làm việc nước ngoài không đơn thuần là chương trình xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập tạm thời, mà hơn thế, đây sẽ là chương trình cho nguồn nhân lực kỹ thuật tương lai của tỉnh nói riêng và của ĐBSCL nói chung. Hiện nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp được cấp phép do Sở LĐ-TB&XH kết nối luôn là lựa chọn cần thiết để NLĐ có nhu cầu đi làm việc nước ngoài được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ.

Thị trường làm việc ở nước ngoài xứng đáng là một trong những lựa chọn, kể cả với lao động có trình độ rèn luyện, phát triển kỹ năng, tiếp thu kiến thức cần thiết để trở về trở thành nguồn lao động đáng quý đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xuat-khau-lao-dong-kinh-nghiem-tu-thuc-tien-a262351.html