Xuất khẩu lao động, những gam màu sáng - tối - Bài 1: 'Làng tỷ phú' vắng bóng người

LTS: Trong nhiều năm qua, hàng chục ngàn người Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã đua nhau đi lao động ở nước ngoài. Bên cạnh con đường hợp pháp, có rất nhiều người đi chui vào các nước châu Âu làm lậu. Qua 'tiết lộ' của những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động, thì phần lớn là thông qua các đường dây ở Trung Quốc. Và để mua suất lao động chui với ước muốn đổi đời, những người lao động đã phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ: từ 900 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng, với nhiều người, hành trình để 'đổi đời' ấy thực sự là chuỗi ngày cơ cực, tủi nhục.

Những năm qua, tại nhiều ngôi làng ở 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ngày càng xuất hiện nhiều biệt thự. Người ta gọi đấy là những khu làng tỷ phú nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động. Thành tích các xã cũng đưa vào báo cáo mỗi năm là sự phát triển rầm rộ của xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, để có cái danh làng tỷ phú, cư dân trong những ngôi nhà đắt tiền ấy đã phải trả giá rất nhiều, thậm chí phải bỏ mạng ở xứ người. Những ngày cuối tháng 10 này, khi cả thế giới đang tiếc thương 39 người vắn số được phát hiện trong một container đông lạnh nhập cư lậu vào Anh, nhóm PV Báo SGGP đã có mặt tại những ngôi làng tỷ phú này.

Nhiều hộ dân ở xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu, Nghệ An) nhà cửa khang trang nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động

Nhiều hộ dân ở xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu, Nghệ An) nhà cửa khang trang nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động

Người trước kéo người đi sau

Thôn Thanh Hải (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tự hào là nơi chỉ còn 1 hộ nghèo đơn thân, còn lại đã thoát nghèo trở nên giàu có nhờ nguồn tiền người thân đi nước ngoài lao động, mà chủ yếu là đi Hàn Quốc, bằng con đường hợp pháp. Mỗi năm, hơn 200 con, em lao động ở nước ngoài chuyển về cho thân nhân ở đây hơn 50 tỷ đồng. Số tiền đó được chuyển hóa qua làm ăn, buôn bán, đến nay, ngôi làng này đã có nhà lầu từ đầu đến cuối làng, san sát như phố.

Mặc dù bên ngoài toát lên vẻ hào nhoáng, nhưng bên trong các ngôi nhà như villa lại thật hiu quạnh vì không có thanh niên hoặc phụ nữ trung niên. Cụ L.V.Lục nói: “Ngày xưa nghèo khổ, cháo rau có con cái bên cạnh, nay ở nhà lầu, tiện nghi đủ cả, nhưng con cái đi nước ngoài hết. Nhớ chúng quay quắt, không có một bữa cơm sum vầy tử tế. Bảy đứa con của tui đều rời nhà đi xuất khẩu lao động”.

Ông Lê Văn Hồng, Trưởng thôn Thanh Hải, cho chúng tôi biết, trong làng gần như nhà nào cũng có người đi xuất khẩu lao động. Ít thì 1 người, bình thường cũng 6,7 người, nhiều nhất đến 10 người. “Nói thật là đi xuất khẩu lao động cực lắm, nhưng đồng lương cao nên làng mới thoát nghèo. Trong làng hiện chỉ toàn là người già với trẻ em, thanh niên đã đi hết để kiếm kế mưu sinh”, ông Hồng nói.

Làng biển Nhân Quang (xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch) được mệnh danh là làng “xe-un” (Seoul) vì nơi đây gồm 260 hộ thì có hơn 200 người xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan, Đức, Anh, Pháp… Đất đai ở làng này không dưới 1 tỷ đồng/miếng, nhà cửa lấp đầy, lộng lẫy trên cát. Giàu là vậy nhưng nhiều cặp vợ chồng muốn có con thì người vợ phải đến xứ người thăm chồng mới có được.

Chị L.Th.N. kể, lấy chồng đã 9 năm nhưng 2 vợ chồng chỉ thường gặp nhau qua điện thoại. Cưới xong ở với nhau chỉ 3 tháng là chồng đi Hàn Quốc, lâu lâu lại mua vé bay qua bên đó gặp chồng. Nhờ vậy mới có 2 đứa con.

“Ở đây, nhiều gia đình hoàn cảnh lắm. Vợ chồng mỗi người một nơi nên chuyện con cái cứ hiếm dần. Có anh D., khi đi thì con mới học mầm non, lúc anh về thăm nhà, con đã xong lớp 12, đang làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động ở lãnh thổ Đài Loan. Con không nhận ra mặt cha...”, chị N. kể.

Hiện tại xã Nhân Trạch có 1.600 lao động làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Australia, Anh. Người đi trước kéo người đi sau, anh em họ hàng cùng kéo nhau đi. Mỗi năm, xã biển này có hơn 150 thanh niên ra nước ngoài lao động mang theo ước vọng đổi đời nhanh chóng. Nhưng nhà cửa khang trang thì mồ hôi nước mắt đổ xuống rất nhiều. Thậm chí, đã có người tử vong trên đường đến Anh, đến Úc vì đi bằng con đường bất hợp pháp.

Đến xã Sơn Thành, một xã nằm phía Tây Nam huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), vùng đất được mệnh danh “Làng tỷ phú”, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà cao tầng san sát, đường làng, ngõ xóm bê tông khang trang, sạch đẹp, không khác gì những khu phố sầm uất ở các đô thị. Nhưng thấp thoáng quanh làng chỉ bắt gặp người già và trẻ con vì thanh niên, người trung tuổi đã đi xuất khẩu lao động ở các nước châu Âu như Cộng hòa Séc, Đức, Anh... Nhiều gia đình có người làm ăn ổn định, sau nhiều năm đã quay về tìm cách đưa những người khác đi cùng. Vì người trẻ tất bật với cuộc mưu sinh nơi xứ người, nên từ việc đồng áng, nhà cửa đến việc chăm sóc lũ trẻ đều trông vào các cụ từ 60-80 tuổi. Những đứa trẻ sống xa bố mẹ cũng đã quen, chúng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành rồi quanh quẩn bên ông bà.

Ông Lê Thanh Dinh (66 tuổi, thôn 6, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), cho biết: “Gia đình có 3 người con đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Séc. Chúng gửi lại chúng tôi đứa con 5 tháng tuổi. Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm ít ruộng vườn và chăm đứa cháu nhỏ để con yên tâm mà làm ăn”.

Gần đó, bà Nguyễn Thị Thục (79 tuổi) đang lo bữa trưa cho đứa cháu lên 6 trong bếp, cho biết: “Cháu tôi được 5 tuổi thì ba mẹ nó gửi lại để đi xuất khẩu lao động. Cháu ngoan ngoãn nhưng ông bà già yếu nên việc dạy dỗ, hỗ trợ cho cháu học hành chỉ biết động viên thôi. Mong sao nó học tập tốt, để con cái yên tâm làm ăn, vài năm rồi chúng nó về thăm”.

Vợ chồng ông Lê Thanh Dinh (thôn 6, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chăm cháu vì các con đã đi xuất khẩu lao động

Vợ chồng ông Lê Thanh Dinh (thôn 6, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chăm cháu vì các con đã đi xuất khẩu lao động

Còn ông Ngô Quyền, Trưởng thôn 6 (xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), phân tích, hiện trong làng, những người có sức lao động, thanh niên, hay những người trung tuổi đều kiếm đường đi mưu sinh từ Nam chí Bắc, nhiều nhất vẫn là đi xuất khẩu lao động tại các nước châu Âu. Một số thanh niên còn thấy ở đây là đang chờ để đi. Đời sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện, nhà cửa khang trang hơn, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm. Cả thôn có hơn 100 hộ, trung bình cứ mỗi gia đình trong thôn là có 2 người đi xuất khẩu lao động. Nhiều nhà đi cả, mấy chục năm nay không về. Các đôi vợ chồng trẻ thì gửi con ở quê cho ông bà chăm sóc để đi.

Một nửa làng đi xuất khẩu lao động

Xã Thiên Lộc là một trong những địa phương có số dân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhiều nhất ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đây, Thiên Lộc vốn là một làng quê nghèo, người dân chủ yếu sống nhờ sản xuất lúa nước và hoa màu nên rất khó khăn. Từ hàng chục năm trở lại đây, Thiên Lộc đã “thay da đổi thịt”, nhiều gia đình nhanh chóng thoát nghèo và khấm khá. Một phần là nhờ có xuất khẩu lao động.

Nhiều công ty, văn phòng ở Hà Tĩnh vi phạm xuất khẩu lao động

Ngày 28-10, theo tin từ Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh, qua công tác kiểm tra đã phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng vẫn tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tiếp nhận hồ sơ đăng ký XKLĐ; tổ chức cung ứng lao động cho các doanh nghiệp XKLĐ. Như: Công ty (CT) Tư vấn du học Toàn Cầu Hà Tĩnh; CT TNHH Hợp tác Quốc tế VICTORY (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh); CT TNHH Hùng Hường (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc); CT TNHH Nhân lực Việt Anh Kenzy (phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh); CT Cổ phần Đầu tư Hợp tác Quốc tế Hoàng Gia (thị trấn Cẩm Xuyên).

Thời gian qua trên địa bàn cũng đã xuất hiện nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp XKLĐ ngoại tỉnh, mặc dù chưa được Sở KH-ĐT tỉnh cấp phép hoạt động nhưng vẫn treo biển quảng cáo; tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động, tiếp nhận hồ sơ của người lao động (NLĐ) đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, một số đơn vị, cá nhân đã lợi dụng chủ trương về đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc để tư vấn, giới thiệu, lừa thu tiền của NLĐ, như: Công ty TNHH Tư vấn Du học XKLĐ Lucky TD MASAN (TP Hà Tĩnh), thu của 43 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài (có lao động đăng ký làm thời vụ tại Hàn Quốc phải đóng tổng số tiền là 260 triệu đồng và 2.500 USD). Vụ việc đã được Sở LĐTB-XH lập biên bản và yêu cầu công ty khắc phục hậu quả, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2009 đến 2019, Hà Tĩnh có 72.236 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.600 người. Tổng thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân mỗi năm gần 7.000 tỷ đồng, số tiền gửi về nước trên 4.500 tỷ đồng/năm.

DƯƠNG QUANG

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, ở địa phương bắt đầu có người đi xuất khẩu lao động sang các nước châu Âu từ những năm 1998. Ban đầu đi bằng con đường chính thống. Những đối tượng chính sách được ưu tiên đi sang Cộng hòa Czech. Một thời gian sau, khi một số người làm ăn, định cư ổn định, thu nhập cao và thấy được điểm tích cực từ việc xuất khẩu lao động, họ tìm cách đưa con em ở quê sang cùng làm ăn. Tính đến nay, toàn xã đã có 1.279 người đi xuất khẩu lao động ở các nước, trong đó có 704 người đi các nước châu Âu. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,1%, cận nghèo là 4,2%.

Từ quốc lộ 1A về xã Thiên Lộc, đường giao thông đã được bê tông thảm nhựa rộng rãi, chạy dài hàng chục cây số vào đến tận thôn xóm. Dọc hai bên đường gần trung tâm xã, nhà cao tầng, nhà văn hóa thôn xây dựng khang trang. Tiếp chúng tôi, ông Võ Tá Lương, Trưởng thôn Trường Lộc (xã Thiên Lộc), cho biết: “Đời sống vật chất của người dân Thiên Lộc ngày càng nâng cao; cơ sở hạ tầng nông thôn mới hiện đại là nhờ người dân đi xuất khẩu lao động. Thôn Trường Lộc, có 260 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu, thì đến nay có khoảng 300 người đi xuất khẩu lao động. Trong đó có gia đình 5-7 người đi, chủ yếu đi lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức, Anh, Pháp, Nga, Rumani... làm lao động phổ thông. Từ trước đến nay, ở thôn có 1 người đi xuất khẩu lao động bị tử vong và hiện đang có 2 người bị mất liên lạc ở châu Âu”, ông Lương nói.

Ông Lê Duy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) cho biết, toàn xã có trên 3.000 hộ dân, hơn 12.000 nhân khẩu. Đến nay, xã có khoảng 2.700 người sinh sống, lao động ở nước ngoài, chủ yếu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan, Úc và các nước châu Âu. Trung bình mỗi lao động gửi về quê khoảng 600 - 700USD/tháng. Mỗi năm, toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở xã đã giảm nhanh từ 21% (năm 2011) xuống còn 4,5% (cuối năm 2018); mức thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2018 đạt trên 38,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thì xuất khẩu lao động cũng có những vấn đề đáng lưu tâm. Ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, cho biết, gần 10 năm trở lại đây, nếu không tính 5 người đi xuất khẩu lao động hiện đang bị mất liên lạc (nghi vấn là nạn nhân trong số 39 thi thể trong thùng container ở Anh vừa qua), toàn xã đã có khoảng 7 người không may bị tai nạn lao động tử vong. Hầu hết đó là những lao động đi bằng con đường không chính thống.

“Có nhiều người khi sang đến nơi thì bị trục xuất về nước hoặc không làm ăn được, khiến gia đình, vợ con ở nhà phải gánh thêm nợ nần. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp, vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động, mặc dù mang được kinh tế về cho gia đình và địa phương, nhưng hạnh phúc lại rạn nứt, mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, án mạng; con cái thiếu sự quan tâm, giáo dục, chăm sóc của cha mẹ. Còn có một số người sang Anh trồng “cỏ” (cần sa) và bị nghiện ngập”, ông Tuấn chia sẻ.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xuat-khau-lao-dong-nhung-gam-mau-sang-toi-bai-1-lang-ty-phu-vang-bong-nguoi-625227.html