Xuất khẩu lao động trái phép: Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh
'Khi tình trạng vượt biên trái phép đang có dấu hiệu tăng cao và diễn biến phức tạp, việc tăng mức độ trừng phạt là điều cần thiết' – Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla nêu quan điểm khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng xuất khẩu lao động (XKLĐ) trái phép.
Thưa ông, trực tiếp tham gia bào chữa trong các phiên tòa xét xử về đưa người đi XKLĐ trái phép, ông nhận thấy thực trạng này xảy ra thế nào?
- XKLĐ “chui” được hiểu đơn giản là người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài không thông qua các công ty XKLĐ chính thống mà đi theo con đường tiểu ngạch (vượt biên trái phép). Có nghĩa là không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định. Trong nhiều năm qua, lợi dụng nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài tăng cao, một số đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo con được bất hợp pháp. Trong khi đó, có nhiều người lại muốn ra nước ngoài làm việc nhưng không đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện của XKLĐ chính ngạch như trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn...
Hơn nữa, công tác quản lý nhân khẩu của địa phương chưa chặt chẽ, để người dân tự tìm cách đi ra nước ngoài kiếm sống bằng con đường bất hợp pháp. Nhiều người đã ra đi trót lọt, ngay cả khi nước sở tại phát hiện, trục xuất về nước thì họ cũng không bị xử lý nghiêm.
Thực tế, những người ra nước ngoài lao động “chui” hay những người đi lao động hợp pháp nhưng hết hạn hợp đồng đã tìm cách trốn ở lại; khi trở về nước bị xử lý như thế nào?
- Đối với NLĐ chui trở về nước, theo điểm a, khoản 3, Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng. Ngoài ra, người vượt biên trái phép khi bị bắt giữ còn đối mặt với các hình thức xử lý theo pháp luật của nước sở tại như bị giam giữ, buộc lao động công ích, bị phạt tiền, trục xuất về nước. Trường hợp NLĐ ở lại nước ngoài làm việc trái phép khi hết hạn hợp đồng, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận mà không đến làm việc theo hợp đồng thì theo khoản 2 Điều 35 Nghị định 95/2013/NĐ-CP bị phạt từ 80 – 100 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 - 5 năm. Không chỉ thế, người vi phạm hành vi trên, khi bị bắt còn đối mặt với các hình thức xử lý theo pháp luật của nước sở tại như bị giam giữ, buộc lao động công ích...
Các mức hình phạt như vậy đã đủ sức răn đe?
- Việc xử phạt hành chính các mức từ 3 – 5 triệu đồng đối với việc qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định là còn nhẹ và chưa có tính răn đe. Khi tình trạng vượt biên trái phép đang có dấu hiệu tăng cao và có diễn biến phức tạp, việc tăng mức độ trừng phạt là điều cần thiết và phải được áp dụng một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Nhưng đó mới chỉ là bước đi đầu tiên. Tăng chế tài xử phạt, dù mạnh đến mức nào cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Cái gốc phải là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ra nước ngoài làm việc theo con đường hợp pháp.
Theo ông, Nhà nước nên có chính sách gì để tạo điều kiện cho những người đi nước ngoài làm việc hợp pháp trở về đúng hạn?
- Hiện pháp luật của Việt Nam chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nào trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ số lao động này để có thể đảm bảo quyền, lợi ích của họ khi làm việc ở nước ngoài cũng như khi trở về nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành chính sách hồi hương, hỗ trợ, giải quyết việc làm, tái hòa nhập cho lao động xuất khẩu trở về nước nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp đang được chú trọng. Cụ thể như giới thiệu việc làm giúp NLĐ tìm kiếm công việc phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề, để yên tâm ổn định cuộc sống sau khi về nước. Thế nhưng, những chủ trương, chính sách này vẫn còn hạn chế vì đối tượng chủ yếu mới là những NLĐ đi làm việc Hàn Quốc và Nhật Bản trở về.
Xin cảm ơn ông!