Xuất khẩu ngày 18-21/5: Ô tô nhập từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh; đồ nội thất Việt sang Mỹ có lợi thế hơn nước khác

Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc về xuất khẩu đồ nội thất sang Mỹ, duy trì vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, khẩu trang vải kháng khuẩn được tin dùng... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 18-21/5.

Việt Nam có lợi thế xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn trong tình hình dịch Covid-19. (Nguồn: TNMT)

Việt Nam có lợi thế xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn trong tình hình dịch Covid-19. (Nguồn: TNMT)

Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc về xuất khẩu đồ nội thất sang Mỹ

Trang Furniture Today của Mỹ ngày 17/5 có bài bình luận về việc Việt Nam lần đầu tiên vượt Trung Quốc về xuất khẩu đồ nội thất sang Mỹ vào năm 2020.

Theo bài viết, dù thông tin này không gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia trong ngành, song vẫn là “câu chuyện” thu hút người đọc, đặc biệt là khi lâu nay vẫn có nhầm tưởng Việt Nam thậm chí còn không nằm trong danh sách 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ.

Xu hướng gia tăng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tuy chậm nhưng ổn định, bắt đầu từ việc Mỹ chuyển hướng nhập khẩu đồ nội thất gỗ phòng ngủ từ Trung Quốc sang Việt Nam khi thuế chống bán phá giá được hoàn tất đối với những mặt hàng do Trung Quốc sản xuất vào năm 2005. Năm đó, Việt Nam xuất khẩu 670 triệu USD đồ nội thất sang Mỹ, tăng từ 362 triệu USD năm 2004 và 168 triệu USD năm 2003.

Chỉ riêng vấn đề chống bán phá giá đã dẫn đến việc Mỹ chuyển hướng tìm kiếm sản phẩm nội thất của Việt Nam.

Tất nhiên, thay thế Trung Quốc không phải là điều dễ dàng. Giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ vẫn vượt Việt Nam nhiều tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức khác, như việc Mỹ áp thuế 25% đối với nhiều sản phẩm do Trung Quốc sản xuất bao gồm cả đồ nội thất trong 2 năm qua.

Việc Việt Nam mở rộng sang lĩnh vực sản xuất ghế ngồi cũng đáng được đề cập, vì một số nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi bị áp thuế.

Tất nhiên, không thể phủ nhận vị trí của Trung Quốc trong sản xuất đồ nội thất. Ngay cả với mức thuế 25%, Trung Quốc vẫn “đáng gờm” vì khả năng chế tạo đồ nội thất bằng vật liệu hỗn hợp (thép không gỉ, kính) và chủng loại xét cả về chất lượng và thiết kế.

Lợi thế xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn trong tình hình dịch Covid-19

Khó khăn do dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may khan hiếm đơn hàng, phải chuyển đổi sản xuất sang mặt hàng khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn chống dịch.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, hiện nay, khẩu trang vải kháng khuẩn vẫn là mặt hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước chủ lực. Nhiều nước ở châu Âu vẫn đang tiếp tục đặt hàng, tuy nhiên, nhịp độ sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này không được như năm trước.

Khẩu trang vải kháng khuẩn của Việt Nam đều được chứng nhận kháng khuẩn, chứng nhận thử nghiệm của Bộ Y tế theo hướng dẫn tại Quyết định số 870/QDD-BYT ngày 12/3/2020 về hướng dẫn kỹ thuật cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn.

Các sản phẩm khẩu trang của Việt Nam hiện đang xuất khẩu đi các thị trường lớn như: Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, châu Âu... và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn là vải được xử lý theo phương pháp đưa các chất kháng khuẩn lên bề mặt vải theo các cách khác nhau như ngấm ép, tráng phủ hoặc phun.... Nhờ đó, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% vi khuẩn sau 1h tiếp xúc và giảm còn từ 60-70% sau một số lần giặt.

Ngoài ra, những chiếc khẩu trang may bằng vải kháng khuẩn đảm bảo chất lượng có khả năng diệt khuẩn từ 10 - 30 lần sau giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn sử dụng.

Khác với khẩu trang y tế, khẩu trang vải có thể tái sử dụng nhiều lần mà vẫn đạt được hiệu quả cao trong việc phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Thậm chí, nhiều sản phẩm khẩu trang vải có thể tái sử dụng tới 30 lần.

Việt Nam duy trì vị thế về xuất khẩu gạo

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo trong năm 2021.

Cũng theo USDA, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao. Sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo trong năm 2021. (Nguồn: Lao Động)

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo trong năm 2021. (Nguồn: Lao Động)

Một số thị trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines (tăng 13%), Côte d'Ivoire (tăng 9,1%), Ghana (tăng 5,6%) và EU (tăng 2,1%).

Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, USDA dự báo Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020; Việt Nam duy trì vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Thống kê cho thấy, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,89 triệu tấn gạo. Do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao, đạt trung bình 534 USD/tấn, tăng 13,4% so với giá cùng kỳ năm ngoái nên tuy giảm 10,8% về lượng nhưng tổng doanh thu xuất khẩu vẫn đạt 1,01 tỷ USD, tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ô tô nhập khẩu Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, đã có 2.685 xe ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 4/2021, đạt giá trị xấp xỉ 99 triệu USD, tăng đến 42,3% về lượng và tăng 32,5% về giá trị so với tháng trước.

Như vậy, đây là tháng thứ 2 liên tiếp kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc tăng trưởng với tỷ lệ cao xét cả về số lượng lẫn giá trị.

Tháng 3/2021, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc thậm chí đã tăng đến 220% về lượng và tăng 231,5% về giá trị so với tháng 2, đạt lần lượng 1.886 chiếc và hơn 74,6 triệu USD.

Các loại ô tô nhập khẩu từ Indonesia cũng tăng trưởng khá mạnh. Cụ thể, đã có 4.927 xe ô tô nhập khẩu từ đất nước vạn đảo trong tháng 4/2021, đạt giá trị kim ngạch hơn 61 triệu USD, tăng 17% về lượng và tăng 17,9% về giá trị so với tháng trước.

Trái ngược với Trung Quốc và Indonesia, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan lại bất ngờ giảm đến 34,2% về số lượng và giảm 44,9% về giá trị so với tháng liền trước, đạt 6.427 chiếc và hơn 102 triệu USD.

Cho đến thời điểm hiện tại, Thái Lan vẫn đang là nước xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam lớn nhất. Trong khoảng một năm trở lại đây, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan tính theo tháng thường chiếm đến quá nửa tổng lượng xe nhập khẩu từ toàn bộ 12 thị trường cộng lại.

Chính bởi vậy, mặc dù hai thị trường lớn khác là Trung Quốc và Indonesia tăng trưởng mạnh song chỉ cần cú sụt giảm của Thái Lan cũng đã đủ kéo tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tháng 4/2021 đi xuống.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, đã có 14.671 xe ô tô nguyên chiếc được làm tờ khai nhập khẩu trong tháng 4 vừa qua, đạt giá trị hơn 294 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 19,6% về giá trị so với tháng liền trước.

Cộng dồn 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu tổng số 49.226 xe ô tô nguyên chiếc, đạt giá trị 1,06 tỷ USD.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-18-215-o-to-nhap-tu-trung-quoc-tiep-tuc-tang-manh-do-noi-that-viet-sang-my-co-loi-the-hon-nuoc-khac-145857.html