Xuất khẩu nhiều gạo, vì sao hiệu quả kinh doanh vẫn thấp

Xuất khẩu nhiều, nhưng chi phí tăng cao, dự báo thị trường chưa sát, ký xuất khẩu giá thấp hơn giá mua vào… là những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thấp.

Nghịch lý

Sau khi đạt kỷ lục xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo trong năm ngoái, 4 tháng đầu năm 2024, ngành lúa gạo tiếp tục tận dụng tốt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, mang về ngoại tệ ấn tượng.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, đạt 3,23 triệu tấn, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng lần lượt 11,7% và 36,5% so với cùng kỳ, giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao 644 USD/tấn, tăng trên 22%.

Giá gạo xuất khẩu của nước ta những năm gần đây khởi sắc, nhiều loại gạo chất lượng cao xuất đi các thị trường khó tính có giá hàng ngàn USD/tấn, sản lượng cũng tăng kỷ lục, vượt 8 triệu tấn, nhưng kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp lại không mấy sáng sủa.

Một trong những thương hiệu gạo quen thuộc là Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Năm 2023, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 4.484 tỷ đồng, tăng 18%, nhưng lại lỗ sau thuế hơn 19 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 lãi hơn 75 tỷ đồng).

Muốn thị trường phát triển bền vững, kinh doanh tốt, các doanh nghiệp lớn phải mua hàng vào (dự trữ) để khống chế thị trường, không để giá tăng.

Mức lỗ kỷ lục này là do trong năm 2023, ngoài việc lỗ tỷ giá, thì các chi phí gồm chi phí bán hàng, chi phí tài chính đều tăng vọt.

Quý I/2024, doanh thu thuần của Trung An đạt 715 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Trung An báo lãi sau thuế vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng, giảm mạnh 68% so với cùng kỳ năm trước.

Một nhà xuất khẩu khác là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cũng báo lỗ 208 tỷ đồng trong năm ngoái. Nguyên nhân là doanh thu thuần giảm đến 77% so với năm trước; do biên lợi nhuận gộp co hẹp từ mức 5% xuống còn 2%, trong khi chi phí lãi vay tăng 18%.

Kết quả kinh doanh quý I/2024 của Angimex tiếp tục lỗ 15 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ đạt 58,7 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, cổ đông Angimex thông qua điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024. Cụ thể, kế hoạch điều chỉnh mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 là 1.742 tỷ đồng (giảm 39% so với kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua trước đó là 2.854 tỷ đồng). Mục tiêu lợi nhuận trước thuế điều chỉnh là 5 tỷ đồng, giảm 81% so với mục tiêu 27 tỷ đồng trước đó.

Tập đoàn Lộc Trời cũng không khá hơn. Quý I/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng nhanh, nhưng lợi nhuận gộp của Lộc Trời lại giảm gần 10%, xuống còn 245 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Lộc Trời lỗ hơn 96 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng so với số lỗ 81 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Tập đoàn Lộc Trời cho biết, do tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần năm nay cao hơn so với cùng kỳ (giá vốn tăng 65% trong khi doanh thu chỉ tăng 57%), cộng với chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu/thu nhập khác, nên lãi ròng của doanh nghiệp đã giảm mạnh.

Dự báo thị trường chưa sát

Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Hưng Việt tại An Giang, ông Nguyễn Chánh Trung đánh giá, hiện nay, các yếu tố vĩ mô, hỗ trợ cho xuất khẩu đều tốt (mặt bằng lãi suất vay vốn lưu động đang thấp, tỷ giá từ đầu năm đến nay theo xu hướng tăng và hỗ trợ cho xuất khẩu, đủ sức để bù đắp chi phí phát sinh).

“Vấn đề còn lại và mấu chốt vẫn là thị trường và có sai số trong dự báo. Chẳng hạn, việc các doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu lúc giá thấp, nhưng giá mua vào phục vụ xuất khẩu sau đó lại cao, cộng với việc doanh nghiệp vay vốn quá nhiều, dùng đòn bẩy tài chính không hợp lý… Những nguyên nhân này làm hiệu quả kinh doanh không như kỳ vọng”, ông Trung lý giải.

Thời gian qua, giá lúa biến động khiến hoạt động thu mua, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp sản xuất lúa gạo gặp khó khăn. Chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động xuất khẩu lương thực, thực phẩm.

Đại diện Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam thường ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao hơn giá mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng.

Cùng với đó, khi có biến động giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác, dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao, góp phần tăng thêm thua lỗ.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện cả nước có 161 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo, trong số này chỉ có khoảng 5 - 10 doanh nghiệp dẫn dắt.

Các doanh nghiệp làm thương mại gạo lâu năm cho rằng, muốn thị trường bền vững, kinh doanh tốt, các doanh nghiệp lớn phải mua hàng vào (dự trữ) để khống chế thị trường, không để giá tăng. Nhưng, thực tế hiện nay, kể cả các doanh nghiệp lớn cũng ít mua vào từ trước, do khó khăn về tài chính gây thiếu hụt nguồn vốn thu mua, mà ngành gạo nếu không đảm bảo lượng tồn kho thì khó điều tiết được thị trường.

Nhìn sang Thái Lan, 20 năm qua, 8 doanh nghiệp gạo hàng đầu của nước này không hề đổi ngôi. Cách làm của họ là mua trước, bán sau, vào vụ thì tập trung vào sản xuất, giữ chất lượng gạo thu mua về trong kho ở mức tốt nhất, giảm hao hụt.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuat-khau-nhieu-gao-vi-sao-hieu-qua-kinh-doanh-van-thap-d216057.html