Xuất khẩu những tháng cuối năm: Nhiều thuận lợi cho dệt may, da giày và nông sản

Xuất khẩu hàng hóa cuối năm thuận lợi cho ngành dệt may, da giày và nông sản, còn những ngành khác vẫn cần thận trọng tháo gỡ nhiều rào cản.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong nửa đầu tháng 8 đạt 32,93 tỷ USD, giảm 11,4% (tương ứng giảm 4,24 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8 là 473,33 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 68,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Tăng trưởng chưa ổn định

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công thương) đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có tăng trưởng, nhưng cũng đang đối diện với những khó khăn không nhỏ. Tức là, tăng trưởng nhưng chưa ổn định.

Trong đó, xung đột quân sự Nga – Ukraine và Israel – Hamas trực tiếp tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu, tạo nên nguy cơ đứt gãy các tuyến đường vận tải trọng yếu của thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu hàng hóa vẫn còn nhiều rào cản. (Ảnh minh họa).

Xuất khẩu hàng hóa vẫn còn nhiều rào cản. (Ảnh minh họa).

Đối với thương mại, Viện này cho rằng, chính sách duy trì lãi suất ở mức cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm thay đổi tỷ giá hối đoái USD/VND, USD sẽ có xu hướng mạnh hơn so với đồng VND, làm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn và hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp.

Chưa kể, Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá, Ủy ban châu Âu (EC) và Đài Loan (Trung Quốc) xem xét điều tra chống bán phá giá đối với một số nhóm hàng của Việt Nam cũng là những bất lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này.

Ngoài ra, hàng loạt các tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao… dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều; thách thức còn đến khi phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trước thực tế trên, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương kiến nghị ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ tài chính và ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và mở rộng hoạt động xuất khẩu, nắm bắt và tận dụng cơ hội hiện tại, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản.

Còn các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Công thương cần cảnh báo sớm phòng vệ thương mại.

"Bộ Công thương cần tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài bám sát thông tin thị trường, tiếp tục làm tốt việc cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp trước các rào cản phòng vệ thương mại", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khuyến nghị.

Ngoài ra, có thể tận dụng xuất khẩu đến Trung Quốc, nhưng giới chuyên gia lưu ý, cần tập trung hơn vào các địa phương. Còn xuất khẩu đến các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, cần hướng thị trường đến các bang - cấp địa phương, cấp vùng của quốc gia… Để làm được điều này, cần làm tốt công tác xúc tiến thương mại để liên kết giữa các địa phương, liên kết các sở, các doanh nghiệp với nhau cũng như liên kết ngang, liên kết dọc với các thị trường...

Thuận lợi cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương cũng cho biết, bên cạnh những rào cản, chúng ta cũng có những điểm lợi có thể tận dụng để thúc đẩy xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.

Như là, chính sách lãi suất thấp của EU có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư, dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày và nông sản.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỉ USD. Ảnh: Đan Thanh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỉ USD. Ảnh: Đan Thanh.

Hay việc giảm 36 khoản phí, lệ phí với mức giảm từ 10-50% áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 có thể giúp doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng với mức giảm 2% sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; người dân giảm chi phí tiêu dùng.

Đặc biệt, chuyến thăm của Thủ tướng tới Hàn Quốc sẽ góp phần thúc đẩy tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử và xây dựng.

Việc tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu sẽ giúp nâng cao năng suất lao động và chất lượng công nghiệp, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp bền vững của Việt Nam; các hoạt động trao đổi văn hóa dự kiến sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và quảng bá sản phẩm Việt Nam.

Còn chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Tô Lâm đến Campuchia mang lại nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước. Campuchia là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, quan hệ hợp tác này không chỉ góp phần thúc đẩy xuất khẩu mà còn mở ra nhiều cơ hội nhập khẩu, giúp đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm cho cả hai quốc gia. Hợp tác cơ sở hạ tầng cũng là một lĩnh vực tiềm năng lớn trong quan hệ Việt Nam - Campuchia.

"Việc triển khai các dự án hạ tầng chung đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghiệp. Những dự án này không chỉ nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của cả hai nước mà còn tạo ra cơ hội việc làm và phát triển kinh tế vùng biên giới", Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương đánh giá.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xuat-khau-nhung-thang-cuoi-nam-nhieu-thuan-loi-cho-det-may-da-giay-va-nong-san-192240902105807964.htm