Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 29 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao
Tại cuộc Họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiều 28/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, với kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của toàn ngành nông nghiệp năm 2024 sẽ đạt 54 tỷ USD, mức Thủ tướng Chính phủ giao.
Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò quan trọng, đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước và quốc tế. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng gần 21 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành trên 8 tỷ USD, tăng 62,4%.
Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thủy sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng đầu vào sản xuất 904 triệu USD, giảm 1,8% và muối 2,3 triệu USD, giảm 1,7%.
Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, gạo 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%); riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có được những kết quả trên là nhờ toàn ngành nông nghiệp đã và đang tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi… Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở dự báo những khó khăn, thách thức và thuận lợi, cơ hội đối với ngành Nông nghiệp, nông thôn trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 chắc chắn sẽ cán đích 54 tỷ USD; tăng trưởng ngành Nông nghiệp khoảng 3%.
Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp sẽ phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương.
Đồng thời, hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Đối với trồng trọt, Bộ sẽ chỉ đạo sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Thu Đông và vụ mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Theo dõi sát sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực (như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm ở Đồng bằng sông Cửu Long) để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận.
Để phát triển bền vững ngành thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC); tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP về tăng cường phòng, chống khai thác IUU…