Xuất khẩu nông sản doanh số cao nhưng doanh nghiệp không vui
Giá trị xuất khẩu nông sản trong tháng 5 tiếp tục đà tăng trưởng, với nhiều mặt hàng đạt kim ngạch 'tỷ đô'. Thế nhưng, phía sau kết quả xuất khẩu với nhiều số 0 là nỗi ám ảnh chi phí logistics quá cao, trong khi hợp đồng cũ - đơn giá cũ, khiến niềm vui của doanh nghiệp chưa trọn vẹn.
Chuối xuất khẩu của Công ty TNHH Huy Long An. Ảnh: Băng Tâm
Chi phí logistics quá cao
Tham gia Hội chợ Thực phẩm và đồ uống Thaifex 2022 hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T cho rằng, trái cây Việt không lo thị trường vì đã khẳng định được uy tín chất lượng với nhà nhập khẩu, vấn đề hiện nay là chi phí logistics.
Doanh số xuất khẩu trái cây của Vina T&T trong 5 tháng qua tăng trên 30% so với cùng kỳ nhiều năm trước, sản lượng tăng khoảng 14%. Nhu cầu của thị trường với trái cây Việt Nam sẽ còn tăng, nhưng doanh nghiệp khó đẩy sản lượng. Theo ông Tùng, khả năng thông quan của các cảng trên thế giới chưa phục hồi hoàn toàn nên vận tải đường biển khá chậm, trong khi chi phí cước tăng cao. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu trái cây cho các thị trường, Vina T&T chia theo hai hướng, một là vận chuyển đường biển với trái cây có thể bảo quản đông lạnh dài ngày như sầu riêng, hai là xuất theo đường hàng không với các loại như xoài, thanh long.
“Mặc dù cước hàng không cao hơn nhiều so với đường biển, nhưng chúng tôi vẫn xuất một số loại như xoài, thanh long bằng phương án này để duy trì lượng hàng nhất định cho các nhà nhập khẩu cung ứng ra thị trường. Nhu cầu rất lớn, có loại họ cần 10 thì mình chỉ đáp ứng 7 - 8. Thậm chí, đối tác có thể cần cả trăm tấn nhưng chúng tôi mới đáp ứng được khoảng 30 tấn. Sản lượng cung cấp chưa đúng với đơn hàng vì hạn chế ở vấn đề vận chuyển” - ông Tùng nói.
Ông Tùng cho biết thêm, để đưa trái cây tươi như vú sữa, xoài hay thanh long vào thị trường Mỹ bằng đường hàng không thì chi phí logistics lên đến 7 USD/kg, tương đương 80% giá trị hàng hóa. Ngay cả với các mặt hàng có thể bảo quản đông lạnh dài ngày hơn thì cước vận chuyển đường biển cũng chiếm đến 60% giá trị nông sản.
Còn với mặt hàng chuối, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, trong 5 tháng qua doanh nghiệp đã xuất đi khoảng 15.000 tấn chuối vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Sản lượng này cao hơn rất nhiều so với các năm trước, nhưng cũng chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu thị trường. Cụ thể, tỷ trọng nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam chỉ chiếm 0,6% trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản, trung bình mỗi tháng xấp xỉ 100.000 tấn, như vậy dư địa vào thị trường này là rất lớn.
Tuy nhiên, ngay bản thân các đơn vị xuất khẩu như Huy Long An không đẩy sản lượng xuất khẩu ở thời điểm này, vì chi phí logistics quá cao. “Chúng tôi xuất toàn bộ theo đường biển. Cuối năm 2021, cước vận tải đi Trung Quốc khoảng 2.000đ/kg chuối, nhưng qua tháng 4 năm nay thì tăng lên đến 9.000đ/kg, tháng 5 có giảm chút còn 6.500đ/kg, mà giá chuối xuất khẩu chỉ 10.000 - 11.000đ/kg. Chi phí logistics đang bào mòn giá trị của nông sản xuất khẩu” - ông Huy chia sẻ.
Hợp đồng cũ - đơn giá cũ
Qua khảo sát thị trường, nhiều mặt hàng thủy sản cũng trong tình trạng tương tự khi doanh số xuất khẩu tiếp tục tăng cao nhưng lợi nhuận giảm. Cụ thể, trong tháng 5, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 1,1 tỷ USD, tính chung 5 tháng đầu năm đạt 4,8 tỷ USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ.
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, sở dĩ giá trị xuất khẩu thủy sản tăng cao do nhiều đơn hàng dồn lại từ giai đoạn trong dịch Covid-19 cùng với các đơn hàng mới ký của năm nay.
“Hợp đồng cũ, đơn giá cũ trong khi chi phí đầu vào tăng cao thì không có hiệu quả nếu không muốn nói là thua lỗ. Vì vậy mình phải đàm phán với đối tác điều chỉnh tăng giá một phần đơn hàng, may mắn là họ hiểu sức ép đầu vào thời điểm này rất khó cho các nhà sản xuất. Có một tỷ lệ đơn hàng cũ được điều chỉnh tăng giá từ 10 - 20%, nhưng mức này không thể bù đắp chi phí đầu vào. Do vậy, dù chúng ta gia tăng xuất khẩu nhưng hiệu quả hầu như bằng 0” - ông Lĩnh giải thích.
Trong bối cảnh như vậy, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến thông tin kinh tế vĩ mô, về những biến động tại thị trường xuất nhập khẩu để điều chỉnh các kế hoạch cho phù hợp. Việc ký các đơn hàng có thời hạn một đến hai năm nằm trong tầm tay của doanh nghiệp, nhưng bây giờ doanh nghiệp ký đơn hàng ngắn lại vì lo ngại sự biến động, nhất là biến động chi phí logistics. Ông Phương cho rằng, doanh nghiệp bóc tách những chi phí tác động lên cơ cấu giá thành càng sâu thì càng dễ tối ưu hóa. Đây là một giải pháp giảm chi phí ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất mà doanh nghiệp có thể chủ động xử lý./.