Xuất khẩu nông sản, gỗ sang EU: Ngày càng khó, doanh nghiệp đừng để 'nước đến chân mới nhảy'
Những chính sách và tiêu chuẩn xanh của EU hiện nay đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt...
Việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) trong 3 năm qua đã có những tác động tích cực đến thương mại giữa Việt Nam và EU.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) Việt cũng đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình xuất khẩu sang thị trường này. Đặc biệt trong bối cảnh EU đang siết chặt các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, gia tăng các yêu cầu cầu liên liên quan tới việc xanh hóa sản xuất cũng như là bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện chưa có thông tin đầy đủ về việc các DN Việt Nam đang thích ứng hay đang sẵn sàng ở mức độ nào đối với việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hay yêu cầu về bền vững của EU.
Tuy vậy, những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU bao trùm gần như tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU.
“Ví dụ như nông, thủy sản, đồ gỗ, những mặt hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng như dệt may, da giày đều là một trong những đối tượng được xem là trọng tâm trong việc chuyển đổi xanh của phía EU. Chắc chắn là số lượng, phạm vi các DN và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng là lớn”, bà Trang chia sẻ.
Đáng lưu ý, theo bà Trang, sau khi đặt các tiêu chuẩn là một chuỗi những thay đổi và yêu cầu ngày càng xanh dần, bền vững dần. Tức là yêu cầu không ổn định và các DN nếu muốn tuân thủ thì phải thường xuyên theo dõi mới bảo đảm được việc tuân thủ.
Do đó, việc thích ứng với những tiêu chuẩn này đòi hỏi nỗ lực, nhận thức và chi phí rất lớn đối với các DN, trong khi phần lớn các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, trong câu chuyện chuyển đổi xanh cũng có những tin tốt. Bởi lẽ quá trình chuyển đổi xanh của EU là một quá trình theo lộ trình từng bước. Theo đó có thời gian để các DN của EU cũng như các DN đối tác của EU và nhà cung cấp của EU như các nhà xuất khẩu, sản xuất, xuất khẩu Việt Nam có thể thích ứng dần dần.
“Chuyển đổi xanh của EU nghe có vẻ hơi xa vời, hơi mông lung nhưng thực tế được thể hiện bằng những yêu cầu rất cụ thể. Thực tế đã có nhiều ngành của chúng ta đã, đang thực hiện. Nhiều quy định của EU liên quan đến xanh bền vững đang được thực thi”, bà Trang chia sẻ.
Dẫn kết quả một cuộc khảo sát nhanh gần đây của VCCI, bà Trang cho biết, các DN của Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề chuyển đổi xanh.
Cụ thể, gần 70% DN Việt đã biết về chương trình từ nông trại đến bàn ăn của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm. Gần 80% doanh nghiệp có liên quan biết đến luật chống phá rừng của EU. Với chiến lược dệt may thì tỷ lệ ít hơn một chút, khoảng gần 60%. Tỷ lệ DN biết về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ít hơn nữa bởi vì hiện nay EU mới giới hạn ở 6 loại sản phẩm mà trong đó phần lớn không phải là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu.
“Theo lộ trình của EU, quy định không phải áp dụng ngay mà áp dụng dần dần. Đây chính là cơ sở để từ biết đến, chúng ta có hành động và có sự chuẩn bị. Như vậy, có lẽ trong câu chuyện này không phải hoàn toàn là màu xám mà cũng có những khoảng sáng để chúng ta có thể chuyển dịch dần dần”, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhìn nhận.
Dù vậy, chuyên gia khuyến nghị các DN của Việt Nam cần có một cái nhìn tổng thể, sẵn sàng chuẩn bị, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy” sẽ không kịp. DN không nên quá lo lắng nhưng cũng không thể không làm gì cả.