Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, cấp bách bàn giải pháp khắc phục
Việc Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu các mặt hàng nông sản đã khiến kim ngạch nhóm hàng này xuất khẩu giảm mạnh.
Thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính”
Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái, gạo, cá đông lạnh, cao su thiên nhiên và đặc biệt là rau quả sụt giảm mạnh nhất.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7-2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm 7,16% so với cùng kỳ năm 2018, riêng tháng 7-2019 đạt 144,29 triệu USD, giảm đến 19,88% so với tháng 6-2019 và giảm 43,61% so với tháng 7-2018. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này liên tục được ghi nhận sự tăng trưởng ở mức hai con số, bình quân trên 32% trong giai đoạn 2011-2016.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt giảm trong xuất khẩu sau quả sang Trung Quốc thời gian gần đây là do từ tháng 6-2019, Trung Quốc dừng nhập khẩu rau quả Việt Nam theo đường tiểu ngạch và yêu cầu chính ngạch.
Khi Trung Quốc không còn “dễ tính”, viêc siết chặt truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch an toàn cũng làm giảm khối lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Một số mặt hàng trước đây Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch lớn như bưởi, sầu riêng... đang bị hạn chế, làm giảm kim ngạch sang nước này. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang vào vụ Thanh long nên khi mà 70% Thanh long Việt Nam xuất sang Trung Quốc thì lượng xuất đi đương nhiên bị ảnh hưởng.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm- Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sụt giảm xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là do phía Trung Quốc siết chặt về kiểm dịch và tăng cường yêu cầu an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, Trung Quốc có lượng hàng tồn kho rất lớn. Hiện, Chính phủ Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế…
Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh một nguyên nhân căn cơ phía Việt Nam “chưa sửa được”: Đó là nông sản thủy sản chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
“Một số địa phương và doanh nghiệp chưa nhận thức được, vẫn giữ phương thức kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá”- ông Trần Thanh Hải nói.
Thị trường lớn, không thể bỏ qua
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông thủy sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.
Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ nhất về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ ba về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ tưvề chè; đứng thứ năm về thủy sản; đứng thứ chín về cà phê... đồng thời cũng là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Do vậy, cần cấp bách tìm giải pháp xuất khẩu sang Trung Quốc để gỡ khó cho doanh nghiệp, cho người nông dân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc nâng cao chất lượng tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc là “đòi hỏi đúng”, bởi lẽ ai cũng có nhu cầu đòi hỏi những sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh.
“Không còn cách nào là chúng ta phải thích nghi. Chúng ta cứ bảo thị trường thay đổi phương thức nên khó khăn, nhưng nếu làm tốt thì tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì. Hoạt động xuất khẩu nông sản của chúng ta cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu…”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo bà Lê Hoàng Oanh- Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương), doanh nghiệp cần bỏ tâm lý coi thị trường Trung Quốc “dễ tính”, giảm dần, tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch; Tập trung xuất khẩu chính ngạch, nâng cao chất lượng, mẫu mã... của sản phẩm.
Đặc biệt, nên thay đổi tư duy sản xuất theo quy hoạch, căn cứ nhu cầu dung lượng của thị trường, mùa vụ.
Phải thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, đồng thời xây dựng kênh tiêu thụ, phân phối hàng hóa tại Trung Quốc.
Trong đó, cần lưu ý, việc dựa vào thương mại biên giới và giao dịch không ký kết hợp đồng phải được xóa bỏ và thay đổi, chuyển thành thương mại chính quy.