Xuất khẩu nông sản và những mảng chưa 'sáng'
Dù thu về hàng chục tỷ USD xuất khẩu, nhưng nông sản Việt vẫn còn những mảng 'xám' đòi hỏi ngành hàng này cần tiếp tục khắc phục.
Rau quả đối diện với bài toán chất lượng
Năm 2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt xấp xỉ 7,15 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2023. Tính riêng tháng 12/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 529 triệu USD, tăng 15,5% so với tháng 11/2024 và tăng 29,8% so với tháng 12/2023.
Năm 2024, ngành hàng rau quả Việt Nam đã khai thác tốt hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng, ngoại trừ thị trường Hà Lan. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong năm 2024 so với năm 2023.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 4,63 tỷ USD, tăng 27,3%; Hoa Kỳ tăng 39,8%; Hàn Quốc tăng 39,6%; Thái Lan tăng 73,7%; Nhật Bản tăng 15,3%; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng 10,9%; Australia tăng 25,9%... Điều này phản ánh những nỗ lực của ngành hàng rau quả trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, đặc biệt là việc tận dụng tốt cơ hội từ các FTA mang lại.
Dù vậy, rau quả Việt vẫn đối diện những bài toán chất lượng. Cụ thể, đầu tháng 1/2024, Trung Quốc vừa phát cảnh báo với sầu riêng và mít tươi xuất khẩu Việt Nam do không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói, đồng thời siết chặt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và truy xuất nguồn gốc. Những đơn vị vi phạm sẽ bị dừng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là điều kiện bắt buộc để đảm bảo trái cây Việt Nam giữ vững chất lượng và vị thế trên thị trường quốc tế.
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, năm 2024 đạt kim ngạch kỷ lục khoảng 3,3 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2023. Sự tăng trưởng mạnh của sầu riêng giúp ngành rau quả Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 7 tỷ USD.
Trước đó, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đã ra thông cáo báo chí phản ánh tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế… để lừa đảo. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng chân chính.
Đáng nói hơn nó ảnh hưởng đến uy tín của ngành sầu riêng Việt Nam, làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế. Ngành sầu riêng Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ lớn khi các cơ quan chức năng nước nhập khẩu có thể siết chặt kiểm soát đầu vào, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Thậm chí là mã số được cấp bị thu hồi vì vi phạm chất lượng quy định.
Gia vị Việt Nam và vấn đề dư lượng
Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch đạt gần 1,32 tỷ USD, giảm 5,1% về sản lượng nhưng tăng đến 45,4% về giá trị so với năm 2023; xuất khẩu được 99.874 tấn quế với kim ngạch đạt 274,5 triệu USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 5,2% về giá trị; xuất khẩu được 14.004 tấn hoa hồi với kim ngạch đạt 63,7 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 16,2% về giá trị; xuất khẩu được 10.433 tấn ớt với kim ngạch đạt 25,1 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 25,9% về giá trị…
Bên cạnh những kết quả tích cực về giá trị xuất khẩu, câu chuyện chất lượng của ngành hàng này cũng là vấn đề cần được quan tâm. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong năm 2024, châu Âu đã cảnh báo 77 trường hợp về hồ tiêu và gia vị nhập khẩu từ các thị trường, giảm 2 trường hợp so với năm 2023. Cụ thể, hồ tiêu 8 trường hợp, ớt 35 trường hợp, quế 12 trường hợp, gừng 5 trường hợp, nhục đậu khấu 8 trường hợp.
Trong đó, Việt Nam ghi nhận số lượng cảnh báo nhiều nhất với 21 trường hợp, tăng gấp 7 lần so với năm 2023. Ớt là sản phẩm bị cảnh báo nhiều nhất với 11 cảnh báo; quế có 7 cảnh báo, trong đó 3 về dư lượng chì; hồ tiêu có 1 cảnh báo vi khuẩn Samonella. Sau Việt Nam là Ấn Độ với 16 trường hợp, Indonesia là 8, Trung Quốc có 4…
Cũng trong năm 2024, đã có 481 cảnh báo từ Hoa Kỳ đối với gia vị nhập khẩu vào nước này, tăng 39,4% so với năm 2023 (tăng 136 trường hợp) gồm quế tăng 26 trường hợp, ớt tăng 16 và hồ tiêu tăng 6 trường hợp. Tổng cộng có 49 cảnh báo đối với hồ tiêu, 37 trường hợp đối với quế và 34 trường hợp đối với ớt. Gia vị Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ ghi nhận 15 cảnh báo, trong đó, 6 trường hợp đối với quế (tăng 3 lần so với 2 trường hợp của năm 2023).
Trong khi đấy, một số lô hàng hồ tiêu đen Việt Nam nhập khẩu vào Đài Loan (Trung Quốc) đã bị cảnh báo do phát hiện chất sudan đỏ vượt mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép.
Liên quan đến vấn đề chất lượng, về phía VPSA cũng đã gửi cảnh báo đến các doanh nghiệp và đề nghị tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua ngay lập tức có biện pháp ngăn chặn và kiểm soát kịp thời.
VPSA cho rằng, trong bối cảnh vụ tiêu 2025 sắp thu hoạch, việc khẩn trương điều chỉnh phương thức chế biến và thu hoạch cho nông dân và đại lý là hết sức cần thiết. VPSA cũng đang tiếp tục tổng hợp thông tin và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo VPSA, qua vụ việc này, các doanh nghiệp càng cần phải cẩn trọng hơn nữa trong việc test sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Với ngành hàng rau quả, theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu, giữ uy tín người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu cho ngành hàng rau quả, một trong những vấn đề nóng hiện nay là tiêu chuẩn để kiểm soát chất lượng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho những sản phẩm chủ lực. Khi xây dựng, ban hành được tiêu chuẩn về chất lượng rau quả sẽ giúp các bên có một "cơ sở" để cùng sản xuất, thu hoạch, chế biến. Tiêu chuẩn này sẽ là tiền đề giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao... tự tin tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường. Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Rau quả đang là ngành thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia thị trường khắp thế giới. Tại Trung Quốc - thị trường rau quả lớn nhất thế giới - Việt Nam đang có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng...
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-nong-san-va-nhung-mang-chua-sang-371383.html