TS. Đặng Kim Sơn: 'Chúng ta đã hiểu rõ thêm về mình'
'Việt Nam cần những điều kỳ diệu như đã làm khi khởi đầu công cuộc đổi mới cuối thập niên 1980. Nếu định thu hút những người khổng lồ về công nghệ như Nvidia trong năm năm tới thì phải vượt lên một bước cao hơn...', TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Phép thần của một cơ chế thị trường tử tế
KTSG: Cách đây hơn hai năm, khi bàn về câu chuyện xuất khẩu nông sản của Việt Nam, ông đã bày tỏ nỗi băn khoăn: Thế giới đã nhìn lại mình, còn chúng ta thì sao? Tới thời điểm này và xét trên quy mô cả một nền kinh tế, ông đánh giá như thế nào về sự tự nhìn lại mình của nền kinh tế Việt Nam? Theo quan điểm của ông, việc đầu tiên là liệu chúng ta đã đi đúng hướng hay chưa?
- TS. Đặng Kim Sơn: Khi đó, năm 2021, báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XIII đánh giá “đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao”. Còn năm 2024 vừa qua, tăng trưởng kinh tế đã khá hơn, tỷ trọng đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) lớn hơn, năng suất lao động và chỉ số ICOR đều được cải thiện, đất nước đang tiến về phía trước. Tuy nhiên, so với chính mình, tốc độ tăng trưởng giai đoạn này vẫn chậm để đạt tới mục tiêu đã đề ra cho năm 2030 và năm 2045; so với các nước khác, chất lượng tăng trưởng chưa có bước đột phá để thu hẹp khoảng cách tụt hậu.
Nhìn về nông nghiệp, năm nay Việt Nam vượt qua những khó khăn do thiên tai, nhất là trận bão Yagi, sản xuất vẫn được mùa và kinh doanh vẫn được giá với hầu hết các mặt hàng chiến lược chính như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, đồ gỗ... Thành công này trước hết nhờ sự nỗ lực của nông dân và doanh nhân, mặt khác cũng phản ánh kết quả tốt của hoạt động đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
Chúng ta cần những điều kỳ diệu như Việt Nam đã làm khi khởi đầu công cuộc đổi mới cuối thập niên 1980. Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được phát động hiện nay, có thể sẽ là bước đầu tiên của tiến trình quan trọng này.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói chúng ta mới làm khá tốt phần thay đổi cơ cấu sản xuất từ độc canh cây lúa sang đa canh các mặt hàng nông sản. Mảng cơ bản nhất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp là đổi mới thể chế, phát triển khoa học công nghệ, cải thiện cơ sở hạ tầng vẫn chưa có bước đột phá quan trọng. Vì thế, kết quả phát triển của ngành nông nghiệp chưa vững bền và chưa phản ánh đúng thực lực tiềm năng to lớn hơn rất nhiều của đất nước.
Tóm lại, với đánh giá của Đại hội Đảng XIII về sự chậm trễ trong đổi mới mô hình tăng trưởng, với nhận định của Nghị quyết hội nghị Trung ương 19 rằng “nông nghiệp là lợi thế quốc gia”, chúng ta đã hiểu rõ thêm về mình nhưng tiến theo hướng mới vẫn cần phải có những bước phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.
KTSG: Đối với Việt Nam, kiến tạo mô hình tăng trưởng mới không chỉ là kỳ vọng mà còn là nhiệm vụ bắt buộc, nếu muốn đạt các mục tiêu về kinh tế - xã hội và trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng công nghệ mới của thế giới. Ông đã nhìn thấy sự sẵn sàng của Việt Nam cho cuộc đổi mới này, từ quyết tâm, tư duy tổ chức tới hạ tầng pháp luật, công nghệ và nguồn nhân lực...?
- Trong những năm gần đây, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng với toàn cầu đã liên tục đổi mới tư duy, tiếp thu tư tưởng phát triển bao trùm, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt cơ hội của cách mạng số hóa... Trong thời gian gần đây, lại sôi nổi tinh thần trong sạch hóa hệ thống và đổi mới thể chế... Khát vọng phát triển của toàn dân và quyết tâm chính trị của lãnh đạo đã kết đọng trong mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước thu nhập cao vào năm 2045.
Khâu thách thức vẫn khó vượt qua xưa nay là làm thế nào chuyển ý định, chủ trương tốt đẹp thành hành động hiệu quả. Bài học thành công của 40 năm đổi mới cho thấy đổi mới tư duy và quyết tâm chính trị là bước khởi đầu quyết định, nhưng chỉ khi nào thay đổi được cơ chế vận hành kinh tế thuận theo quy luật khách quan, điều chỉnh được kết cấu của xã hội phù hợp với trình độ phát triển thì lúc đó mới tạo ra được động lực để từng con người, từng tập thể chủ động thay đổi hành vi xây dựng một đất nước mới.
Người xã viên “rong công, phóng điểm” theo tiếng kẻng hợp tác, ông chủ nhiệm hợp tác xã quan liêu như lớp “cường hào mới”, bà mậu dịch viên hống hách quát nạt khách mua hàng..., tất cả bỗng thay đổi khi xuất hiện cơ chế thị trường, khi tư liệu sản xuất từ hợp tác xã được trao cho hộ gia đình, hệ thống mậu dịch quốc doanh được cổ phần hóa. Cũng con người ấy, nhà xưởng ấy, cửa hàng ấy, phương tiện ấy bỗng trở nên hiệu quả hơn, tốt đẹp hơn không phải nhờ tuyên truyền vận động mà là nhờ thay đổi cơ chế và tổ chức.
Ngày hôm nay cũng thế, người cán bộ bày ra quy định xin - cho để đòi “bôi trơn”, người nông dân trồng rau sạch để ăn và rau bẩn để bán, người giáo viên buộc học sinh học thêm để cải thiện thu nhập... Tất cả cũng có thể lập tức thay đổi bằng phép thần của một cơ chế thị trường tử tế cùng với hệ thống tổ chức hoàn thiện của nó. Từ đó, sẽ hình thành hạ tầng cơ sở, công nghệ, nguồn nhân lực... để đất nước tiến đến mục tiêu tương lai.
KTSG: Trong một cuốn sách xuất bản năm 2021 mà ông là đồng tác giả, năm mũi giáp công để thực hiện việc này là: (1) khoa học công nghệ; (2) đổi mới cơ chế phân bổ tài nguyên, tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông, vận tải, logistics; (3) cơ cấu các ngành kinh tế đa dạng theo lợi thế vùng; (4) cơ cấu lại đô thị hóa; (5) cơ cấu lại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, có cần điều chỉnh gì về các mũi giáp công hay không và chúng ta nên coi đâu là mũi đột phá?
- Đó là cuốn “Đổi mới mô hình tăng trưởng - khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng sánh vai thế giới”, năm mũi đột phá chính nêu trên để đẩy nhanh tốc độ và cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế nhằm đuổi kịp các nước tiên tiến trong vùng và đạt tới mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình bốn năm qua khoảng 5,5%/năm mà chỉ còn một năm phấn đấu nữa thì sẽ không dễ đạt kế hoạch 6,5-7%/năm đề ra trong nhiệm kỳ đại hội này. Nếu năm năm liền không đạt kế hoạch thì mục tiêu vạch ra cho Việt Nam vào năm 2030 và 2045 sẽ trở nên xa vời.
Người xã viên “rong công, phóng điểm” theo tiếng kẻng hợp tác, ông chủ nhiệm hợp tác xã quan liêu như lớp “cường hào mới”, bà mậu dịch viên hống hách quát nạt khách mua hàng..., tất cả bỗng thay đổi khi xuất hiện cơ chế thị trường, khi tư liệu sản xuất từ hợp tác xã được trao cho hộ gia đình, hệ thống mậu dịch quốc doanh được cổ phần hóa. Cũng con người ấy, nhà xưởng ấy, cửa hàng ấy, phương tiện ấy bỗng trở nên hiệu quả hơn, tốt đẹp hơn không phải nhờ tuyên truyền vận động mà là nhờ thay đổi cơ chế và tổ chức.
Chúng ta cần những điều kỳ diệu như Việt Nam đã làm khi khởi đầu công cuộc đổi mới cuối thập niên 1980. Rõ ràng mũi đột phá phải là đổi mới thể chế để có được những tổ chức và cơ chế mới, cho phép tạo ra tinh thần làm chủ của mỗi đối tượng trong xã hội, tạo ra động lực cho mọi tác nhân trong nền kinh tế chủ động và sáng tạo đóng góp cho phát triển của đất nước. Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được phát động hiện nay, có thể sẽ là bước đầu tiên của tiến trình quan trọng này.
Phải vượt lên một bước cao hơn
KTSG: Xin được đề cập tới câu chuyện mới đây: Tập đoàn Nvidia của Mỹ đã ký thỏa thuận với Việt Nam về việc mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam, hiện thực hóa lời hứa biến Việt Nam thành “ngôi nhà thứ hai của Nvidia”. Chúng ta đã nói nhiều về các cơ hội sẽ mở ra nhưng nếu từ góc nhìn thận trọng hơn, theo ông, chúng ta đã hội đủ các điều kiện để tận dụng tốt sự hợp tác này?
- Ở trên, chúng ta đã nói đến yêu cầu sống còn về đổi mới thể chế. Mục tiêu chính là khởi động, tạo năng lực mới cho nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho cả nền kinh tế Việt Nam là tài nguyên con người. Đối với các tập đoàn công nghệ lớn và hiện đại như Nvidia của Mỹ, còn phải đương đầu với một vấn đề nữa là sự sẵn có của lớp nhân lực có chuyên môn kỹ thuật. So với nhu cầu đầu tư phát triển công nghệ hiện tại, hàng năm Việt Nam đang thiếu hụt 150.000 - gần 200.000 lập trình viên và kỹ sư công nghệ thông tin. Nếu định thu hút những người khổng lồ về công nghệ như Nvidia trong năm năm tới thì phải vượt lên một bước cao hơn và bắt đầu bù đắp khoảng trống đấy ngay hôm nay.
KTSG: Mấu chốt của mọi sự kiến tạo trong nền kinh tế nằm ở nhân lực. Có ý kiến cho rằng, đối với nguồn nhân lực tại Việt Nam, vấn đề có lẽ không nằm ở khả năng tiếp thu, học tập, nắm bắt kiến thức, công nghệ mới mà là ở thái độ, đạo đức và kỷ luật với công việc. Quan điểm của ông như thế nào? Để giải bài toán lực lượng lao động phù hợp với mô hình tăng trưởng mới, không chỉ về năng lực chuyên môn mà cả phẩm chất, tính chuyên nghiệp..., chúng ta cần phải làm gì?
- Con người Việt Nam có những tố chất quý báu về tính cần cù, tinh thần dũng cảm, khả năng chịu đựng, năng lực thích nghi, đầu óc sáng tạo... Đó là nền tảng thuận lợi để học tập kỹ thuật, nắm bắt khoa học công nghệ. Yếu tố cần có từ bên trong là vị thế để con người có ý thức làm chủ, là động lực để mọi người hết lòng vì công việc. Yếu tố mong đợi từ bên ngoài là một hệ thống pháp luật đáng tin cậy để tuân thủ, những nền tảng đạo đức tự giác để noi theo. Tạo ra niềm tin cho xã hội vào nền kinh tế thực, trả giá cao cho giá trị đóng góp thực tế là cách tốt nhất để hình thành phẩm chất và tính chuyên nghiệp cho người lao động.
Đất nước đang bước vào quá trình chuyển biến về xã hội mạnh mẽ song song với những bước tiến nhanh chóng về kinh tế. Quá trình đô thị hóa trong 15-20 năm tới không phải là một quy trình chuyển đổi hệ thống hành chính. Đó phải là quá trình tự tích lũy và phát triển để một phần tư dân số chuyển đổi ngành nghề và điều kiện sống dựa trên tích lũy tài sản, kiến thức của chính mình. Làm sao để 60% lao động phi chính thức hiện nay được chính thức hóa, có hợp đồng, có bảo hiểm, có lương hưu, có tổ chức nghiệp đoàn. Nông dân phải là chủ thể phát triển nông thôn. Công nhân, người lao động phải là cư dân chính thức của hệ thống đô thị gắn với các khu công nghiệp. Phúc lợi cho mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là công bằng với người lao động, là định hướng xã hội chủ nghĩa chuẩn mực nhất.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ts-dang-kim-son-chung-ta-da-hieu-ro-them-ve-minh/