Xuất khẩu ớt thu về gần 18 triệu USD trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ớt đạt kim ngạch gần 18 triệu USD, Trung Quốc là thị trường lớn, chiếm hơn 86% thị phần…
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 3 quốc gia đứng đầu thị trường xuất khẩu ớt của nước ta gồm: Trung Quốc, Lào và Hoa Kỳ. Trong đó, tính đến hết tháng 6 năm nay, sản lượng ớt xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 86,5% đạt 6.338 tấn, đứng đầu danh sách. Tiếp đến là Lào chiếm 9,1% đạt 669 tấn và Hoa Kỳ chiếm 1,7% đạt 124 tấn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu ớt cũng thúc đẩy khai thác một số thị trường tiềm năng ở nhiều khu vực như các nước trong khu vực EU và ASEAN…
Từ số liệu thống kê cho thấy, lũy tiến từ 1/1 đến 30/6, Việt Nam xuất khẩu được 7.326 tấn ớt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 5,3%, kim ngạch tăng 31,7%.
Chỉ riêng trong tháng 6, Việt Nam xuất khẩu được 815 tấn ớt, kim ngạch đạt 1,8 triệu USD, so với tháng 5 lượng xuất khẩu giảm 43,2%.
Đối với thị trường lớn nhất là Trung Quốc, thói quen ăn cay ở mức độ cao của phần lớn người dân, cùng với sự chênh lệch về vụ thu hoạch, mà Trung Quốc tăng cường nhập khẩu ớt Việt Nam đặc biệt là loại ớt có độ cay cao và đa dạng về chủng loại. Một số loại ớt xuất khẩu phải kể đến như: Ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt, ớt chỉ địa.
Các lô hàng ớt tươi nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải được xử lý kiểm dịch bởi các đơn vị chức năng của Việt Nam hoặc do các đơn vị chức năng của Việt Nam ủy quyền, đồng thời phải chú thích rõ các tham số liên quan trong chứng thư kiểm dịch thực vật. Kể từ tháng 3/2022, ớt tươi của Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe của đất nước tỷ dân này.
Ngoài ớt, một số loại quả gia vị cũng có sản lượng xuất khẩu triển vọng đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Cụ thể, cũng theo số liệu thống kê từ VPA, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 17.280 tấn gừng, nghệ và gia vị khác, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 33,0 triệu USD.
Với sản lượng xuất khẩu đạt được, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 33,6% tuy nhiên kim ngạch tăng 5,1%.
Một số nước châu Á là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm từ nông nghiệp của nước ta. Các thị trường xuất khẩu chính của gừng, nghệ và gia vị khác Việt Nam bao gồm: Ấn Độ chiếm 38,4% đạt 6.635 tấn, Bangladesh chiếm 20,6% đạt 3.561 tấn, Indonesia chiếm 8,1% đạt 1.396 tấn.