Xuất khẩu phân ure của Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM) sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm
Kênh xuất khẩu dự kiến sẽ chiếm từ 14% - 31% tổng sản lượng tiêu thụ phân ure của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ trong năm nay. Đây cũng là hai doanh nghiệp dự kiến sẽ hưởng lợi lớn nhất từ việc giá phân ure thế giới tăng.
Giá phân ure Việt Nam đang bắt kịp đà tăng của giá thế giới
SSI Research vừa dẫn thông tin từ đại diện của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM – sàn HoSE) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM – sàn HoSE) cho biết Trung Quốc gần đây đã tạm dừng xuất khẩu phân ure.
Trước đó, vào ngày 7/9, hãng tin Bloomberg dẫn lời một số nguồn tin cho biết cơ quan chức năng Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân ure. Bloomberg cũng cho biết một số nhà sản xuất phân bón lớn nhất Trung Quốc đã tạm ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu phân ure mới từ đầu tháng này. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào về vấn đề này.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có CNAMPGC Holding, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất Trung Quốc, công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu phân ure để đảm bảo nguồn cung và duy trì giá phân bón ở mức ổn định. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới.
Động thái hạn chế xuất khẩu phân ure của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nhu cầu từ Ấn Độ đang tăng mạnh. Ấn Độ đang mở rộng diện tích trồng lúa gạo và mía đường để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung hai loại nông sản này dưới tác động của hiện tượng El Nino, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng phân ure tăng lên. Giá gạo tại Ấn Độ đã tăng 34% so với thời điểm đầu năm nay do thiếu hụt nguồn cung nội địa; tương tự, giá đường tại nước này cũng đã tăng cao kỷ lục.
Ấn Độ chiếm 17% tổng sản lượng ure xuất khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay. Do đó, theo SSI Research, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân ure sẽ hỗ trợ giá phục hồi đối với các doanh nghiệp sản xuất ure toàn cầu, ngoài Trung Quốc, trong thời gian tới.
Trên thị trường quốc tế, so với mức đáy được thiết lập hồi tháng 6/2023, giá phân ure xuất khẩu hiện nay tại Ai Cập và Trung Đông đã tăng 46%; trong khi đó, giá phân ure tại khu vực Biển Đen đã tăng 31%. Giá phân ure tại Trung Quốc và Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn, lần lượt tăng 27% và 18%. Cùng với sự phục hồi của giá phân ure trong khu vực, giá phân ure trung bình tại Việt Nam đã tăng 25% so với mức đáy hồi tháng 6/2023, theo SSI Research.
Nếu tính từ tháng 8/2023 thì giá phân ure hiện nay tại Ai Cập và Trung Đông dao động từ mức -7% đến 3%; giá phân ure tại Trung Quốc tăng 11%. Trong khi đó, giá phân ure tại Việt Nam đã tăng 20%. Điều này cho thấy giá phân ure tại Việt Nam đã bắt kịp đà tăng mạnh của thị trường quốc tế.
Xem thêm: "Nhóm cổ phiếu cao su và hai câu chuyện cần quan tâm trong thời gian tới" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Kênh xuất khẩu sẽ chiếm từ 14% - 31% sản lượng của Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau
Nhiều tổ chức tài chính hiện nhận định Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ sẽ là hai doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam được hưởng lợi chính từ việc giá ure thế giới tăng, chủ yếu nhờ kênh xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng tiêu thụ của hai doanh nghiệp này. SSI Research hiện ước tính sản lượng xuất khẩu của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ lần lượt chiếm khoảng 14% và 31% sản lượng tiêu thụ ure cả năm nay.
Hoạt động xuất khẩu phân ure của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ được kỳ vọng sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong nửa cuối năm so với mức nền thấp trong nửa đầu năm 2023, nhờ: Ai Cập cắt giảm lượng khí dành cho sản xuất phân ure, khiến nguồn cung phân bón của nước này giảm và Ấn Độ có động thái tăng nhập khẩu phân ure cho mùa vụ cuối năm.
Tại thị trường trong nước, giá phân ure hiện đang dao động ở biên độ hẹp do nhu cầu ở mức hạn chế. Theo hãng nghiên cứu thị trường Agroviet, tại miền Bắc, nhiều diện tích lúa Hè Thu đã bón xong 3 đợt chính nên nhu cầu tiêu thụ chậm. Khu vực miền Trung đã và đang thu hoạch lúa Hè Thu nên nhu cầu tạm ngưng. Tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhu cầu tiêu thụ tại một số khu vực sạ muộn đầu tháng 8 gia tăng (An Giang), trong khi sụt giảm tại hầu hết các tỉnh sạ lúa trong tháng 7 (Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp), nhu cầu ở mức thấp.
Tuy nhiên, theo quy luật tiêu thụ phân bón nhiều năm lại đây, nhu cầu phân ure sẽ tăng mạnh hơn trong quý 4 - thời điểm vụ Đông Xuân diễn ra tại miền Bắc (mùa vụ chính trong năm) nên giá phân ure có thể sẽ tăng lên. Ngoài ra, giá phân ure thế giới được định giá theo biến động của giá dầu khí. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng phân ure có thể tăng lên khi giá nhiều loại nông sản như gạo neo cao kích thích nông dân mở rộng sản xuất. Vì vậy, giá ure trong nước đang được nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trong quý 4 tới đây.