Xuất khẩu rau quả hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, Trung Quốc vẫn là thị trường nhiều triển vọng

Giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2023 đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Rau quả là một trong số ít nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông lâm ngư nghiệp nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm 2023…

Xuất khẩu sầu riêng được kỳ vọng sẽ đem về 1 tỷ USD trong năm 2023.

Xuất khẩu sầu riêng được kỳ vọng sẽ đem về 1 tỷ USD trong năm 2023.

Theo số liệu của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2023, xuất khẩu rau quả giúp Việt Nam thu về 410 triệu USD, tăng đột biến 75% so với tháng 4/2022. Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm: thanh long, sầu riêng, xoài, mít...

TRUNG QUỐC LÀ THỊ TRƯỜNG DẪN ĐẦU

Phân tích thị trường xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay Trung Quốc dẫn đầu về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng cường nhập trái cây Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu rau quả có giá trị tăng mạnh nhất là Lào, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, thị trường Lào chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ giảm gần 18%, sang Austraylia giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước đó.

"Trong quý 2 năm 2023, sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460 nghìn tấn, xoài 350 nghìn tấn, sầu riêng 300 nghìn tấn, thanh long 250 nghìn tấn, vải thiều 330 nghìn tấn, dứa 217 nghìn tấn, nhãn 110 nghìn tấn, cam 180 nghìn tấn... Nguồn cung trái cây đang rất dồi dào, đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu".

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu rau quả tăng mạng là do Việt Nam ký được nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, khoai lang, chuối sang thị trường Trung Quốc; và bưởi đi Mỹ, chanh đi New Zealand.

Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành rau quả 4 tháng đầu năm. Chỉ sầu riêng đã mang lại 420 triệu USD kim ngạch trong năm ngoái. Chỉ riêng sầu riêng thôi, trước mắt việc xuất khẩu đang rất thuận lợi. Nếu tình hình thuận lợi kéo dài, kim ngạch trái cây vua này sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm nay.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định: "Xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục thuận lợi trong quý 2/2023. “Dự kiến năm 2023, xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam đạt 4 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu rau quả sang riêng thị trường Trung Quốc sẽ thu về khoảng 2,5 tỷ USD trong năm nay, chứng tỏ triển vọng to lớn của ngành hàng này tại thị trường 1,4 tỷ dân”.

DẤU ẤN SẦU RIÊNG VÀ KHOAI LANG

Một trong những sự kiện đáng ghi nhớ của ngành rau quả trong tháng 4 vừa qua là vào ngày 19/4/2023, tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra lễ xuất khẩu chuyến hàng khoai lang đầu tiên của Việt Nam theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Lô hàng này gồm 28 tấn khoai lang, được xuất khẩu bởi Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Song Toàn Phát.

Việc xuất khẩu chính ngạch sản phẩm khoai lang là kết quả sau nhiều năm đàm phán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Nghị định thư xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang Trung Quốc được ký kết ngày 22/11/2022.

Huyện Bình Tân là địa phương có diện tích khoai lang lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích hằng năm 12.000 ha – 14.000, sản lượng đạt từ 380.000-400.000 tấn/năm. Đến nay Vĩnh long đã có 27 mã số vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói khoai lang đã được cấp mã số xuất sang thị trường Trung Quốc.

"Với sầu riêng, để tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2023, cần đàm phán để cấp phép thêm mã số vùng trồng và mã số đóng gói. Mặt khác, cần kêu gọi đầu tư vốn, công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp chế biến rau quả nhằm tăng thêm giá trị xuất khẩu".

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam.

Việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng khoai lang của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị khoai lang của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu sầu riêng cũng đang rất được quan tâm. Là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng trên dưới 4 tỷ USD để nhập khẩu trái sầu. Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, quốc gia này nhập khẩu 821.500 tấn sầu riêng tươi vào năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm 2017. Năm 2022, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nhưng Trung Quốc vẫn nhập khoảng 800.000 tấn sầu riêng. Những năm trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan.

Từ tháng 7/2022, Trung Quốc chính thức “cấp visa” cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Từ tháng 9/2022 (thời điểm xuất lô sầu riêng sang Trung Quốc theo nghị định thư) đến nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng đột biến.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu dự tính, Công ty sẽ xuất khẩu 20.000-30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2023.

Tuy nhiên, bà Vy cũng lo lắng về vấn đề chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện nay. Bởi, vừa qua giá sầu riêng tăng cao kỷ lục, hàng khan hiếm, một số nhà vườn đang chạy theo lợi nhuận, ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non (có lợi về cân nặng) chứ không có sự chọn lọc. Trong khi thương lái thiếu hàng chấp nhận gom mua tất cả các loại sầu mà không phân biệt chất lượng.

"Chúng ta mất rất nhiều năm mới có thể xuất khẩu chính ngạch được sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Thay vì làm hàng đạt chuẩn xuất khẩu để chiếm thị phần, nay lại chạy theo lợi nhuận, thu mua ồ ạt cả hàng kém chất lượng, sầu non, chẳng khác nào quay lại thời kỳ tư duy buôn chuyến. Không thể vì khoản lãi 1-2 tỷ mỗi chuyến mà đánh mất uy tín, mất đi mối hàng mà nhiều năm mới xây dựng được”, bà Vy nhấn mạnh.

Trao đổi về thị trường sầu riêng Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, sầu riêng Việt đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu Thái và Philippines. Sản lượng sầu riêng của Việt Nam hiện tăng lên trên dưới 1 triệu tấn, cho thu hoạch gần như quanh năm, trong khi Thái Lan và Philippines chỉ thu theo mùa. Quãng đường vận chuyển từ nước ta sang Trung Quốc ngắn hơn cũng là một lợi thế giúp sầu riêng Việt Nam tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng các đối thủ.

Để rau quả tăng tốc xuất khẩu nhiều hơn nữa, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đàm phán ký kết thêm nghị định thư cho một số mặt hàng đã xuất khẩu chính ngạch như: thanh long, xoài, dưa hấu, mít, chôm chôm... Thị trường Trung Quốc cần mở cửa thêm cho các mặt hàng như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa. Cần đẩy mạnh thêm các hoạt động để mở cửa thị trường khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ…

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-rau-qua-huong-toi-muc-tieu-4-ty-usd-trung-quoc-van-la-thi-truong-nhieu-trien-vong.htm