Xuất khẩu rau, quả sang Trung Quốc: Chọn chất lượng để đi đường dài

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn nhất của Việt Nam. Chuẩn hóa sản xuất để giữ thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu.

Trung Quốc chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu rau, quả Việt

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau, quả trong tháng 5/2025 chỉ ước đạt 496 triệu USD. Lũy kế 5 tháng năm 2025, ước xuất khẩu rau, quả đạt 2,1 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Quý I/2025, xoài Việt Nam hiện chiếm tới 97% thị phần xoài nhập khẩu vào Trung Quốc. Ảnh minh họa

Quý I/2025, xoài Việt Nam hiện chiếm tới 97% thị phần xoài nhập khẩu vào Trung Quốc. Ảnh minh họa

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam nói chung và rau, quả Việt Nam. Năm 2024, quốc gia này đã chi 4,6 tỷ USD để nhập khẩu rau, quả Việt Nam. Trong quý I/2025, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 521,2 triệu USD (chiếm 47,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau, quả Việt Nam).

Đáng chú ý, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2025, nước này chi 29 triệu USD nhập khẩu xoài từ 6 quốc gia, tăng 21 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh Trung Quốc nhập khẩu xoài từ 5 thị trường khác đồng loạt giảm, Việt Nam trở thành điểm sáng khi cả sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu mặt hàng này đều tăng mạnh.

Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu gần 40.700 tấn xoài sang Trung Quốc, thu về 28 triệu USD, tăng 145 lần về giá trị. Xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Xoài Việt Nam hiện chiếm tới 97% thị phần xoài nhập khẩu vào Trung Quốc, bỏ xa các đối thủ như Thái Lan, Peru, Australia, Campuchia và Philippines.

Chuẩn hóa sản xuất để giữ thị trường

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký Nghị định thư về xuất khẩu các mặt hàng ớt, chanh dây, tổ yến và cám gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Các Nghị định thư trên được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 14 - 15/4. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và nghị định thư về xuất nhập khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.

“Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của sầu riêng Việt Nam. Nếu làm tốt khâu chế biến thay vì chỉ dựa vào xuất khẩu quả tươi, mục tiêu hơn 3 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí lên đến con số 5 tỷ USD”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - nhà sáng lập Công ty Cổ phần Nafoods Group - chia sẻ và cho biết, doanh nghiệp sẽ tiên phong trong chế biến sâu quả sầu riêng.

Còn theo ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, thị trường sầu riêng toàn cầu năm 2025 có giá trị khoảng 200 tỷ USD và có thể đạt 400 tỷ USD vào năm 2035, với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 7% mỗi năm. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao, việc đảm bảo nguồn cung ổn định quanh năm là một lợi thế quan trọng của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay, với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường có sức mua hấp dẫn nhất thế giới. Việt Nam có lợi thế lớn về địa lý khi sở hữu hơn 1.450 km đường biên giới với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc có nhiều chợ đầu mối lớn nằm sát biên giới phía Bắc, cách các vùng trồng nông sản của Việt Nam vài trăm km. Nhờ đó, chi phí logistics thấp, thời gian vận chuyển nhanh và cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.

Đồng thời, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các Nghị định thư ký giữa hai nước. Do đó, dư địa cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu trái cây khai thác thị trường này còn rất lớn.

Tuy nhiên, xuất khẩu rau, quả không còn là "cuộc chơi" giá rẻ hay thị trường dễ tính. Khi các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe, việc chủ động thích ứng từ vùng trồng đến chế biến, logistics và thị trường đích… là điều kiện "sống còn" để nông sản Việt vững bước trên sân chơi toàn cầu.

Riêng với thị trường Trung Quốc, minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng. Về việc này, ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết, hiện Bộ đang hoàn thiện Thông tư về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây sẽ là văn bản nền tảng điều chỉnh toàn bộ quá trình sản xuất, sơ chế, kiểm soát kỹ thuật.

Thông tư này sẽ quy định điều kiện cấp, duy trì, tạm dừng hoặc thu hồi mã số; trách nhiệm của các cơ quan địa phương, đơn vị giám sát và doanh nghiệp; chuẩn hóa quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản phù hợp với yêu cầu thị trường Trung Quốc và các nước có tiêu chuẩn cao.

Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng các quy trình thực hành nông nghiệp và kỹ thuật sơ chế an toàn, hướng dẫn sử dụng vật tư nông nghiệp giảm thiểu chứa kim loại nặng, yêu cầu không sử dụng hóa chất cấm, đồng thời hỗ trợ áp dụng nhật ký điện tử và hệ thống truy xuất số hóa.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định rõ, nếu để mất niềm tin từ thị trường nhập khẩu thì khôi phục sẽ vô cùng khó khăn. Khi mất niềm tin, các nước nhập khẩu thường đặt ra rất nhiều rào cản kỹ thuật, thậm chí là không cho nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam và việc đàm phán để mở cửa thị trường trở lại càng khó.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị các địa phương công khai minh bạch toàn bộ danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên hệ thống truy xuất điện tử, cập nhật thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm giám sát tại cấp xã, huyện, tránh tình trạng buông lỏng hoặc né tránh trách nhiệm. Cùng với đó, chỉ đạo tạm dừng các vùng không đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu; các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, không để “chạy theo số lượng mà đánh mất hình ảnh, uy tín quốc gia”; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật và chủ động kiểm soát chất lượng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật, nhưng cũng yêu cầu địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ và Chính phủ nếu để xảy ra vi phạm về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-rau-qua-sang-trung-quoc-chon-chat-luong-de-di-duong-dai-389527.html