Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc kỳ vọng 'bùng nổ'
Việc hàng loạt trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã giúp ngành rau quả đạt kỷ lục hơn 5 tỷ USD sau 11 tháng. Các doanh nghiệp rau quả kỳ vọng việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện để xuất khẩu rau quả Việt Nam bùng nổ.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho biết, các doanh nghiệp rau quả đang mong chờ những thông tin hợp tác từ chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp, giúp xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng ấn tượng. Điển hình như mặt hàng sầu riêng, năm ngoái Việt Nam chỉ xuất được khoảng 300 triệu USD, nhưng từ khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch (tháng 7/2022) xuất khẩu sầu riêng tăng kỷ lục, và dự báo năm nay có thể đạt 2,3 tỷ USD. Điều này cũng giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam sớm vượt mốc hơn 5 tỷ USD chỉ trong 11 tháng.
Theo ông Nguyên, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để tiếp tục tăng mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc. Mỗi năm nước này chi hơn 15 tỷ USD để nhập khẩu rau quả từ các nước. Trong đó, hiện đứng đầu là Thái Lan, tiếp đến là Chilê và Việt Nam.
“Trong 3 nước, chúng ta có lợi thế nhất vì rất gần với Trung Quốc. Ngay cả các chợ đầu mối nông sản lớn của Trung Quốc đều nằm dọc giáp biên giới với Việt Nam. Chỉ tính riêng trường hợp Trung Quốc cấp phép cho sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, điều này có thể xảy ra bởi hiện Trung Quốc đã mở cửa cho sầu riêng đông lạnh Thái Lan, giúp xuất khẩu sầu riêng Thái Lan vượt trên 4,4 tỷ USD.
“Cộng đồng doanh nghiệp rau quả đều rất hi vọng cơ hội này sẽ mở ra đối với sầu riêng Việt Nam sau chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc. Đặc biệt nếu các mặt hàng khác như dừa tươi, bơ, bưởi,…được ký nghị định thư cũng sẽ giúp ngành rau quả tăng thêm ít nhất 1 tỷ USD”, ông Nguyên cho hay.
Bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam - cho biết, doanh nghiệp hiện xuất khẩu trên 30 mặt hàng rau quả sang hơn 20 quốc gia. Từ cuối năm ngoái, khi Trung Quốc cho phép sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp cũng nhanh chóng tận dụng cơ hội.
Bà Hồng kể, vừa rồi công ty rất bất ngờ khi có 1 tập đoàn nông sản lớn của Trung Quốc chủ động liên hệ qua website của công ty để tìm kiếm và ký kết hợp đồng cung cấp sầu riêng. Đối tác là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán của Trung Quốc nên quy trình rất chặt chẽ. Họ quan tâm không chỉ sản phẩm, mã số vùng trồng, mà còn công tác quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính và tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Quá trình đàm phán hai bên rất kỹ. Đổi lại, cứ mỗi lô hàng, đối tác sẵn sàng thanh toán tiền đặt cọc trước 60% và cung cấp số lượng không giới hạn.
“Trước nay các doanh nghiệp Việt làm ăn với đối tác Trung Quốc chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch nên chúng tôi cũng khá bất ngờ trước sự thay đổi này. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác mạnh mẽ thị trường Trung Quốc”, bà Hồng cho hay.
Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô - đánh giá dư địa xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn và cần phải khai thác tốt hơn nữa.
Theo bà Vy, hiện 90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam đã xuất khẩu qua Trung Quốc, tuy nhiên xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của sầu riêng Việt Nam mới chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan và Malaysia.
“Nhiều người Trung Quốc chưa được ăn sầu riêng, nhiều tỉnh ở Trung Quốc chưa có sầu riêng, đó là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Thực tế các đối tác của Chánh Thu cũng yêu cầu rất nhiều nhưng công ty hiện mới chỉ cung cấp được khoảng 1/10”, bà Vy cho hay.
Bà Vy cho rằng, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới. Các doanh nghiệp kỳ vọng việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước sẽ tiếp tục mở cửa các mặt hàng rau quả Việt Nam, thúc đẩy nhanh quá trình cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, tạo điều kiện cho nông sản Việt tiếp tục bùng nổ và chinh phục “chợ nông sản lớn nhất thế giới”.