Xuất khẩu rau quả tiếp đà tăng trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: 10 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 6,34 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kỷ lục 5,7 tỷ USD của năm 2023. Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: Xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt 7,5 tỷ USD.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với kết quả tích cực này, xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt 7,5 tỷ USD; tăng 1,8 tỷ USD so với mức thực hiện năm 2023.
Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm khác như chuối, xoài, thanh long và sản phẩm chế biến cũng góp phần quan trọng.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu rau quả Việt Nam với 3,8 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 38% so với cùng kỳ 2023. Các thị trường như Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với mức ở hai con số.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng là loại trái cây mang lại kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ sầu riêng Tây Nguyên kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn có hàng trái vụ nhờ kỹ thuật rải vụ tốt của nông dân. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD - một con số hiếm loại trái cây nào đạt được. Dừa tươi tuy mới được phép xuất khẩu vào Trung Quốc đã ghi nhận những tín hiệu tích cực qua việc các doanh nghiệp (DN) ký kết các thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.
Ông Cao Bá Đăng Khoa- Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, nhiều DN đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 30 - 50 container, thậm chí có đơn vị ký thỏa thuận cung cấp 1.500 container. Từ khi có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra tín hiệu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt tại thị trường đông dân này. Việc liên tục ký kết hợp tác, đơn hàng lớn, khiến nhiều DN không có đủ hàng để xuất khẩu.
Với một hướng đi khác, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ, hướng đi của DN tại thị trường Trung Quốc sẽ là các sản phẩm trái cây chế biến. Bên cạnh đó, DN cũng đang chuẩn bị các điều kiện để sầu riêng đông lạnh sớm được sang thị trường này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ, để tạo cơ hội xuất khẩu trái cây sang các thị trường, sản phẩm được trồng tại các khu vực có mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, phục vụ xuất khẩu.
Hiện Việt Nam đã có 5.840 mã số vùng trồng trái cây đã được nước nhập khẩu cấp mã số; trong đó, Trung quốc chiếm 40,2% với 2.350 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu. Việt Nam đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch năm 2024 sẽ đạt khoảng 4,5 tỷ USD.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuat-khau-rau-qua-tiep-da-tang-truong-10293885.html