Xuất khẩu rau, quả ước thu về gần 4,6 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024
Trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau, quả ước đạt hơn 700 triệu USD; lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau, quả ước đạt 4,58 tỉ USD.
Trung Quốc tiếp tục là nhà mua rau quả lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỉ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với gần 2,5 tỉ USD rau quả từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm tới 64% thị phần. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 189 và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%, chiếm 4,88% và 4,87% về thị phần.
Đáng chú ý, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 123 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho biết, thời gian qua Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng của nước ta, trong đó có sầu riêng đông lạnh. Điều này thúc đẩy giá trị xuất khẩu qua thị trường này tăng. Một số lô hàng sầu riêng của Việt Nam được Thái Lan nhập khẩu sẽ được dùng để xuất khẩu ngược sang Trung Quốc.
Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu đến thị trường Đông Bắc Á
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á.
Theo đó, tại khu vực thị trường này, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 22% so với cùng kỳ; tiếp theo, Hàn Quốc cũng tăng 55% so với cùng kỳ.
Trong tương lai, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như EU, Mỹ…
Về mặt hàng, hiện, sầu riêng đang đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu rau quả. Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, chỉ 25.000 ha vùng trồng sầu riêng trên cả nước được cấp mã số. Việt Nam cũng đang đề nghị Trung Quốc mở rộng cấp mã số. Ngoài ra, ngành sầu riêng cũng cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho rằng, sầu riêng vẫn là trái cây phát triển tốt trong nhiều năm tiếp theo. Ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu đang mở rộng thị trường sang nhiều nước trên thế giới có tiềm năng như: Ấn Độ, các nước khu vực châu Á… Để sầu riêng Việt Nam phát triển và có thể cạnh tranh với các nước khác, việc ban hành quy chuẩn về chế biến, bảo quản sau thu hoạch là yêu cầu cấp thiết.
Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Sầu riêng Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch. Sầu riêng đông lạnh cũng đã được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong năm 2024.
Theo các chuyên gia trong ngành, khi các FTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu giảm, các nước sẽ đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Điều này đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam liên tục cập nhật quy định nhập khẩu của các thị trường để kịp thời đáp ứng.
Về việc này, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, quá trình tổ chức sản xuất từ vùng nguyên liệu, vùng trồng cho đến mã số, cơ sở đóng… Cục Bảo vệ thực vật đang quản lý rất sát và trong bối cảnh hội nhập sâu, đòi hỏi toàn chuỗi sản xuất phải cập nhật, đáp ứng được, thậm chí cả trên nhu cầu của thị trường. Đây là yêu cầu tất yếu để xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Dự kiến hết năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu ha, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Tại thời điểm này, nhiều loại trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào chính vụ như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải... sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu.
Hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng. Với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.