Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Mexico sang Mỹ tăng trưởng mạnh

Bộ Thương mại Mexico thông báo xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của nước này sang Mỹ trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022 đạt 60,9 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Phóng viên TTXVN dẫn thông cáo của Bộ Thương mại Mexico (SE) cho số liệu tăng trưởng trên đã giúp các sản phẩm công nghệ cao của nước này chiếm 13,1% thị phần tại Mỹ trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022, so với 12,5% cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Mexico sang Mỹ tăng trưởng mạnh. Ảnh: EMSNow

Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Mexico sang Mỹ tăng trưởng mạnh. Ảnh: EMSNow

Các sản phẩm này bao gồm vật liệu công nghệ mới, hàng điện tử, linh kiện hàng không, công nghệ sinh học, thông tin –viễn thông, công nghệ hạt nhân, vũ khí và công nghệ quang điện tử.

Theo SE, tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022 đạt 465,5 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong vòng 10 năm qua, thị phần các mặt hàng công nghệ cao của Mexico chiếm từ 10,8% đến 12,5% tại Mỹ, đứng thứ 2 sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng theo SE, thị phần hàng công nghệ cao của Trung Quốc đã giảm xuống còn 24,3% trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022, so với 26,1% trong 3 quý đầu năm 2021.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), trong thời gian vừa qua, các chính sách tự do hóa thương mại đã giúp Mexico phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

Trong 2 thập kỷ qua, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất phương tiện giao thông của Mexico tăng trung bình 5,6% và hiện được này đang nắm vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô và hàng không.

Liên quan đến vai trò ngày càng tăng của Mexico tại thị trường Bắc Mỹ, hôm 10/11, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Raquel Buenrostro cho biết khoảng 400 công ty Bắc Mỹ đang lên kế hoạch dịch chuyển hoạt động từ châu Á về Mexico trong thời gian tới nhằm hưởng lợi từ vị trí địa lý gần gũi với Mỹ, cũng như những lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mang lại.

Theo bà Buenrostro, vị trí địa lý gần gũi với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng quy mô thị trường rộng lớn của Mexico đã giúp nước này thành đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia láng giềng. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt xu hướng dịch chuyển đầu tư về gần (nearshoring).

Nghiên cứu từ Tập đoàn tài chính toàn cầu Credit Suisse, xu hướng này giúp thu ngắn chuỗi giá trị bằng việc dịch chuyển hoạt động sản xuất - kinh doanh về các quốc gia láng giềng, qua đó giảm bớt rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động trong thời gian vừa qua.

Cũng theo Credit Suisse, trong thời gian gần đây, xu hướng này đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vốn nước ngoài tại Mexico. Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, nước này đã thu hút được nguồn vốn FDI lên đến 2,05 tỷ USD từ các hoạt động chuyển dịch đầu tư về gần.

Đặc biệt, tính từ đầu năm đến nay, quốc gia 130 triệu dân này đã thu hút được 17,2 tỷ USD từ các hoạt động chuyển dịch đầu tư về gần, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn nguồn vốn đầu tư đến từ các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô như Volkswagen, Continental, Pirelli và Michelin./.

Phi Hùng (P/v TTXVN tại Mexico)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xuat-khau-san-pham-cong-nghe-cao-cua-mexico-sang-my-tang-truong-manh/269053.html