Xuất khẩu sản phẩm Halal: Còn quá ít 'giấy thông hành' vào thị trường Indonesia
Hạn chế của Việt Nam là không có nhiều doanh nghiệp hiểu rõ về sản phẩm và thị trường Halal, để được cấp Chứng nhận Halal, các doanh nghiệp cần phải đầu tư rất nhiều thời gian cũng như chi phí.
“Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu chuẩn Halal sang thị trường Indonesia”, là chủ đề của Hội thảo chuyên đề Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á, do Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 3/11 tại Hà Nội.
Sự kiện nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam tìm hiểu thông tin tiềm năng và cơ hội, tập quán kinh doanh, cập nhật chính sách thương mại của thị trường Indonesia. Đồng thời tận dụng các lợi thế các Hiệp định thương mại để tiếp cận thị trường, nắm bắt các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng theo tiêu chuẩn Halal.
Phân tích những thách thức và rủi ro về môi trường kinh doanh tại thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Việt Nam tại Indonesia cho biết, tính đến nay Việt Nam mới bước đầu tiếp cận thị trường Halal. Chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, một con số rất thấp so với nhu cầu thị trường và có 40% số địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu đạt chứng nhận Halal.
“Hạn chế của Việt Nam là không có nhiều DN hiểu biết rõ về Halal. Việc cấp Chứng nhận Halal còn nhiều khó khăn, để được cấp Chứng nhận Halal, các DN cần phải đầu tư nhiều thời gian cũng như chi phí”, ông Cường nêu.
Cũng theo ông Cường, hiện nay tiêu chuẩn Halal không chỉ phục vụ người Hồi giáo, mà còn là chứng nhận vệ sinh an toàn chất lượng và đẳng cấp sản phẩm, giúp sản phẩm Halal tiêu thụ tốt ngoài cộng đồng Hồi giáo. Vì vậy, thay vì băn khoăn có nên đầu tư để đón đầu các cơ hội tại thị trường Halal, DN nên quan tâm làm thế nào để nắm bắt các cơ hội to lớn trong thị trường này.
Chia sẻ kinh nghiệm nhập khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn Halal Indonesia, một số DN cho biết, khó khăn thách thức lớn nhất của các DN Việt Nam vẫn là Chứng nhận Halal. Đây là “giấy thông hành” để đưa các sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia nói riêng và cộng đồng Hồi giáo nói chung. Hiện trên thế giới có 3 loại Chứng nhận Halal cho từng khu vực Hồi giáo, DN cần xác định đưa sản phẩm vào thị trường khu vực nào sẽ lấy chứng nhận tại khu vực đó, điều này sẽ giúp giảm chi phí và thời gian cho DN.
Đặc biệt, hệ thống sản xuất, chế biến sản phẩm Halal xuất khẩu được phép dính tới cồn, mỡ động vật cũng như các tiêu chuẩn môi trường, do vậy hệ thống sản xuất, chế biến phải được thiết kế tách biệt hoàn toàn. Nếu nhà máy có thuê gia công sản xuất sản phẩm bên ngoài, sẽ cần có quy trình kiểm soát toàn bộ quá trình này. Các sản phẩm Halal trên bao bì không đưa tên hay hình ảnh có liên quan đến sản phẩm Halal khác, cũng như tên các quốc gia Hồi giáo khác.
Phân tích cho các DN tham gia xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường Indonesia, ông Thái Thanh Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Indonesia gợi mở, rào cản tôn giáo cùng quy định Halal vẫn là bức tường vô hình khiến nhiều DN e ngại. Tuy nhiên, bản chất con người Indonesia luôn thân thiện và bao dung, nên DN không nên quá e ngại mà cần bứt phá trong hợp tác liên doanh.
“Hiện nhiều DN Việt Nam đầu tư trực tiếp vào Indonesia đã ký hợp tác với các đối tác lớn của Indonesia, mở ra các hệ thống kinh doanh mới thu được những kết quả nhất định. DN Việt Nam nên tập trung vào khu vực Thủ đô Jakarta cũng như các khu vực phụ cận trong bán kính khoảng 100km trở lại nơi tập trung dân cư đông đúc”, ông Long định hướng.
Tại Hội thảo, cơ quan thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng lưu ý các DN đang có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường sở tại. Trong đó tập trung hướng đến các dòng sản phẩm trà cổ thụ, đồ uống thảo dược đang được ưa chuộng tại Indonesia. Các sản phẩm có Chứng nhận Halal vẫn phải được đăng kí với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM). Khi sản phẩm Halal Việt Nam đã vào được thị trường Indonesia sẽ rất dễ dàng xâm nhập các thị trường Hồi giáo khác.