Xuất khẩu sang UAE, 3 doanh nghiệp có nguy cơ bị đối tác lừa đảo
Hiệp hội Điều Việt Nam vừa nhận được kiến nghị của một doanh nghiệp thành viên về nghi ngờ bị đối tác tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lừa đảo. 2 doanh nghiệp ngành tiêu và gia vị cũng trong tình trạng tương tự với khách hàng UAE.
Theo tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), VINACAS nhận được kiến nghị của công ty T.M - thành viên của hiệp hội về nghi ngờ bị đối tác UAE lừa đảo.
Cụ thể, công ty T.M đã ký hợp đồng bán điều nhân cho BAB AL REHAB FOODSTUFF TRADING LLC, DUBAI, UAE. Khách hàng ứng 15% tiền, công ty đã giao hàng. Ngày 24/6, hàng đã đến cảng Jabel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6. Trong khi đó, công ty T.M. vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá lô hàng.
Dù rằng ngân hàng S. đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua AJMAN BANK PJSC - Sheikh Zayed Road Dubai Branch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết bộ chứng từ đến đâu.
Cũng theo VINACAS, ngoài công ty T.M còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên.
Theo ông Trần Hữu Hậu - Phó Tổng thư ký VINACAS, nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu bị lừa đảo, VINACAS đã liên hệ ngay với Thương vụ Việt Nam tại UAE nhờ hỗ trợ.
Sáng 18/7, lãnh đạo VINACAS có cuộc họp với các bên liên quan về vụ việc để nắm rõ thông tin. Sau cuộc họp, hiệp hội sẽ chính thức kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp.
VINACAS cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên hoặc các doanh nghiệp trong ngành điều tập hợp thông tin liên quan đến hiện tượng nghi khách hàng hoặc ngân hàng bên mua lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân để hiệp hội hỗ trợ giải quyết.
Đầu năm 2022, VINACAS thông tin, nhiều doanh nghiệp hạt điều trong nước có nguy cơ mất trắng gần 100 container hàng với trị giá hàng trăm triệu USD sang châu Âu.
Sự việc xuất phát từ những lo ngại khi hàng đã đến Italia nhưng các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung về việc liên tục bị thay đổi số SWIFT - mã số định danh nhận diện ngân hàng.
Tại ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và phía ngân hàng đã trả lại những bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam.
Hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Italia, phía ngân hàng sở tại thông báo là các bản copy không phải bản gốc. Điều đáng nói, doanh nghiệp Việt Nam không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.
Do phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nên doanh nghiệp đã tìm cách ngăn chặn các lô hàng. Mặc dù vậy, vẫn có 35 container (trị giá khoảng 159 tỉ đồng) bị mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc.