Xuất khẩu sầu riêng: nỗi lo sau 'điểm sáng' hàng tỉ đô la
Sầu riêng được xem là loại trái cây có kết quả xuất khẩu 'thần kỳ' trong ngành cây ăn trái Việt Nam. Thế nhưng, phía sau điểm sáng về doanh thu hàng tỉ đô la là những hạn chế cùng nguy cơ bất ổn cần được giải quyết cấp bách.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 3,45 tỉ đô la Mỹ, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sầu riêng là loại trái cây có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu “thần kỳ” khi cả năm 2021 mang về cho Việt Nam chỉ khoảng 178 triệu đô la Mỹ, thì một năm sau đó, tức năm 2022 đạt gần 421 triệu đô la Mỹ và 8 tháng đầu năm nay “nhảy vọt” lên con số 1,2 tỉ đô la Mỹ (dự báo cả năm đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ- PV).
Cột mốc quan trọng giúp trái sầu riêng Việt Nam có sự “nhảy vọt” như nêu trên là nhờ đạt được thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Điều này đã được thể hiện qua con số có khoảng 95% kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam là vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều bất ổn…
Nỗi “ưu sầu” mang tên…. sầu riêng
Để có nguồn hàng phục vụ xuất khẩu, thương lái đã ồ ạt đến các vùng chuyên canh sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên để “săn lùng”. Từ đây, câu chuyện “tranh mua tranh bán” trái sầu riêng đã xảy ra.
Tại diễn đàn trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa qua có một số doanh nghiệp không rõ từ đâu đã đến địa phương “đóng đô”, với bảng hiệu tiếng nước ngoài để thu mua sầu riêng, tạo sự cạnh tranh quyết liệt với thương lái và doanh nghiệp địa phương. “Như vùng chúng tôi, có một số người sẵn sàng bỏ ra 100 triệu đồng/tháng để thuê đất làm kho, rồi tung quân đi đặt cọc tranh mua, tranh bán ngay từ đầu vụ”, ông nói.
Theo ông Trọng, sự xuất hiện của các kho “lạ” khiến việc tổ chức thu mua của hợp tác xã với nông dân hết sức khó khăn, không cạnh tranh lại với những đơn vị mới.
Ông Trọng dẫn chứng, có một thành viên của hợp tác xã đã chốt giá bán 86.000 đồng/kg khi các doanh nghiệp từ nơi khác đến sẵn sàng đặt cọc 3 tỉ đồng. “Trong khi đó, đối với hợp tác xã, chúng tôi không thể làm được điều này, bây giờ phải tranh nhau mà mua, rất phức tạp”, ông cho biết.
Từ cơn sốt xuất khẩu “thần kỳ” như nêu trên, khiến diện tích và sản lượng sầu riêng cũng có sự “bùng nổ” trong thời gian qua.
Như trường hợp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nếu năm 2013 chỉ đạt 12.600 héc ta, thì đến năm ngoái đã đạt đến con số 33.200 héc ta và sản lượng cũng tăng tương ứng từ 189.000 tấn lên hơn 386.000 tấn.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết, ở Việt Nam hiện có 7 vùng nông nghiệp, thì đã có 6 vùng, với 34 địa phương có trồng sầu riêng, trong đó, nhiều địa phương có diện tích trên 10.000 héc ta.
Theo ông Côn, với số lượng các địa phương tham gia trồng sầu riêng như trên, niên vụ này, Việt Nam có khoảng 900.000 tấn cung cấp ra thị trường. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL thu hoạch trước rồi “dịch chuyển” ra khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên…
Riêng tỉnh Đắk Lắk, theo ông Côn, địa phương có 15 huyện, thị, thành thì tất cả đều phát triển trồng sầu riêng, với diện tích đến tháng 6-2023 lên đến khoảng 28.600 héc ta. Trong đó, có trên 15.800 héc ta đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, tức chưa cho thu hoạch và phần diện tích còn lại đã cho trái. “Điều này cho thấy, vài năm nữa sản lượng sầu riêng của Đắk Lắk sẽ tăng rất mạnh, lớn nhất Việt Nam”, ông Côn cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề quan ngại hiện nay, đó là dù diện tích sản xuất lớn, nhưng phần được cáp mã số vùng trồng chỉ đạt hơn 2.000 héc ta và diện tích có liên kết tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp cũng quá thấp, chưa tới 2.000 héc ta.
Nhu cầu tiêu thụ, nhất là với thị trường Trung Quốc lớn, trong khi diện tích được cấp mã số vùng trồng còn khiêm tốn, dẫn đến chuyện “tranh mua, tranh bán” như đã nêu ở trên, thậm chí, xuất hiện tình trạng gian lận như thực tế đã diễn ra gần đây.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bagico đánh giá, áp lực thị trường và nguồn cung tăng đã dẫn đến tiêu cực khủng khiếp trong hai năm qua về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với sầu riêng. “Chắc là không cần nói những ví dụ cụ thể ai cũng biết, ai cũng nhìn thấy việc mua bán mã số vùng trồng, rồi việc tiêu cực trong quá trình cấp”, bà nói.
Vị doanh nhân này cho rằng tình trạng “đục nước béo cò” đã xảy ra và nếu xử lý triệt để cho đúng pháp luật, chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến công tác cán bộ và tiêu thụ sản phẩm…
Để sầu riêng bền vững
Người đứng đầu công ty Bagico nêu quan điểm cá nhân rằng để ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng sầu riêng nói riêng phát triển lành mạnh và bền vững, thì tất cả mọi chủ thể liên quan, gồm nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, đều không thể thỏa hiệp với những vấn đề tiêu cực. Và trong giai đoạn thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay, các hộ nông dân và hợp tác xã hãy “bớt bức xúc”, mỗi người cùng nhau nhìn nhận lại để cùng bảo vệ tài sản và làm cho ngành hàng sầu riêng có lợi.
Ông Trọng của hợp tác xã Ea Tu kiến nghị, các cơ quan, ban ngành cần kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với doanh nghiệp xuất khẩu. “Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã như chúng tôi (hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu – PV) để phát triển bền vững, từ khâu tập huấn, chọn giống, chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật”, ông gợi ý.
Song song đó, các cơ quan chuyên môn nên có dự thảo hợp đồng kinh tế giữa hộ nông dân và người mua, cũng như có tiêu chuẩn sầu riêng Việt Nam khi ký kết hợp đồng nhằm có hướng xử lý rõ ràng, nếu xảy ra tranh chấp.
Đại diện Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, ông Công cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là phải tổ chức tốt chuỗi liên kết “thực chất” từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm. “Đương nhiên, phải đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng để đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu cho xuất khẩu”, ông nhấn mạnh.
Phải có kế hoạch phối hợp, liên kết để đấu tranh, phòng chống hành vi vi phạm nhằm đảm bảo các bên liên quan phải nhận thức được các vấn đề phức tạp có thể xảy ra khi ngành hàng sầu riêng phát triển nóng như hiện nay.
Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản. Bởi lẽ, một trong những áp lực lớn của ngành hàng sầu riêng là thu hoạch trong một thời gian ngắn, tức nguồn hàng đầu vào rất lớn. “Do đó, nếu đẩy mạnh chế biến sẽ giúp làm giảm lượng quả tươi đẩy ra thị trường”, ông Công phân tích.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, câu chuyện bền vững của ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ khâu tổ chức lại, cấu trúc lại ngành hàng, trong đó, gồm sản xuất và tiêu thụ, tức là nông dân và doanh nghiệp. “Tổ chức lại sản xuất không có nghĩa chỉ là kỹ thuật sản xuất, gieo trồng, dinh dưỡng.., mà bắt đầu từ không gian người nông dân ngồi với nhau”, ông cho biết.
“Tại sao tôi phải nói khởi đầu từ liên kết, từ sản xuất, chứ không phải từ khâu tiêu thụ?”, ông Hoan đặt câu hỏi và giải thích, liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất để doanh nghiệp đến từng vùng sản xuất để hướng dẫn, tạo niềm tin với người nông dân.
Người đứng đầu cơ quan quản lý ngành nông nghiệp phân tích, khi doanh nghiệp “thẩm thấu” được bên cạnh lợi nhuận trong mỗi chuyến hàng, họ còn có trách nhiệm đối với quốc gia, thì lúc đó mới có thể chuyển phương thức làm ăn từ “thuận mua vừa bán, quan hệ mua và quan hệ bán” sang “quan hệ liên kết hợp tác” ngay từ lúc bình thường.
Tuy nhiên, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “siết” vấn đề mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói không đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, thì bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề. “Thật ra bộ không “siết”, mà thị trường “siết”, tức nếu chúng ta không chủ động kiểm soát, thì phía nhà nhập khẩu cũng sẽ làm thôi”, ông Hoan nói và nhấn mạnh, đã đến lúc kết hợp hai giải pháp: vừa “siết” chặt quản lý nhà nước, vừa “siết” lại công tác quản lý nhà nước chuyên ngành dưới địa phương.
Tóm lại, theo ông, để giải quyết vấn đề của ngành nông nghiệp nói chung và sầu riêng nói riêng, thì phải kết hợp nhiều biện pháp. Bởi, nông nghiệp Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Và để tìm ra lời giải cho bài toán khó này, doanh nghiệp cùng chính quyền phải tham gia ngay từ đầu, ông nhấn mạnh.