Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại do đâu?

Trong 8 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt gần 15,6 tỷ USD, tăng khoảng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng hơn 6,7% và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 9,4%. Các doanh nghiệp (DN) vẫn đang trên đà phục hồi sản xuất để tăng sản lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, so với bình quân chung cả nước, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Cụ thể, 8 tháng của năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 265,1 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023, cao gấp gần 2 lần so với Đồng Nai. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 21%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng gần 14%.

Từ những kết quả trên cho thấy, Đồng Nai cần xem xét vì sao một trung tâm công nghiệp hàng đầu của Việt Nam như tỉnh lại có dấu hiệu tăng trưởng xuất khẩu chậm lại so với bình quân chung của cả nước. Nếu do ảnh hưởng từ các thị trường xuất khẩu thì đây là khó khăn chung, những tỉnh, thành khác cũng gặp phải. Bên cạnh đó, cũng có thể do DN tăng thị phần ở thị trường nội địa nhiều hơn. Muốn biết rõ nguyên nhân, đòi hỏi các sở, ngành liên quan phải có thống kê, tìm hiểu kỹ. Hiểu rõ được nguyên nhân, tỉnh sẽ có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng cao trở lại.

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 60%. Do đó, sản xuất công nghiệp với xuất khẩu có mối liên kết chặt chẽ và tỷ lệ thuận với nhau, vì hơn 70% sản phẩm công nghiệp sản xuất ra được xuất khẩu. Vì thế, nếu kim ngạch xuất khẩu tăng cao sẽ kéo theo sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Như vậy, thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, DN cũng tăng theo. Bên cạnh đó, sản xuất, xuất khẩu tăng cao cũng sẽ giúp nhiều lĩnh vực khác phát triển như: vận tải, logistics, thương mại dịch vụ…

Theo các DN trên địa bàn tỉnh, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm, tiếp đến là nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, đất đai, cơ chế chính sách. Các khó khăn trên không phải mới, đã tồn tại nhiều năm, tỉnh đã có nhiều lần họp, đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Vì vậy, ngoài nỗ lực của DN, các sở, ngành, địa phương cần nắm rõ những khó khăn, vướng mắc của DN để có giải pháp tháo gỡ kịp thời mới thúc đẩy được xuất khẩu tăng cao theo kịp mức tăng chung của cả nước.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/xuat-khau-tang-truong-cham-lai-do-dau-0dc63e2/