Xuất khẩu thép HRC lao dốc hơn 70%, doanh nghiệp tìm lực đỡ từ thị trường nội địa

Trong tháng 11, xuất khẩu thép HRC tiếp tục ảm đạm khi sụt giảm tới 70%. Các doanh nghiệp đang tìm đến thị trường nội địa như 'lực đỡ' cho việc bán hàng.

Xuất khẩu thép HRC giảm 3 tháng liên tiếp

Theo số liệu Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) vẫn tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Bán hàng thép HRC trong tháng 11 giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống khoảng 499.000 tấn.

Trong đó, xuất khẩu lao dốc hơn 70% xuống hơn 101.000 tấn. Mặc dù vậy, sản xuất gần như không đổi so với cùng kỳ ngoái, ở mức 548.108 tấn. Đây đồng thời là tháng giảm xuất khẩu thứ 3 liên tiếp của mặt hàng thép này.

Tính chung lũy kế 11 tháng qua, bán hàng thép HRC giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 6 triệu , trong đó xuất khẩu giảm 31% xuống khoảng 2,2 triệu tấn.

Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Xuất khẩu HRC lao dốc trong bối cảnh hàng Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn từ ông lớn Trung Quốc tại các thị trường trên thế giới.

Trang S&P Global trích số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy cho xuất khẩu thép của nước này đạt kỷ lục 18,6 triệu tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu trong nước yếu do lĩnh vực bất động sản chưa phục hồi đã buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá rẻ sang các thị trường.

Ngoài cạnh tranh với ông lớn Trung Quốc, Việt Nam cũng đang chịu sức ép từ làn sóng phòng vệ thương mại trên thế giới. Hồi tháng 8, thép HRC Việt Nam cùng lúc phải đối mặt với hai cuộc điều tra, áp thuế chống bán phá giá từ thị trường Ấn Độ, EU.

Cụ thể, tại thị trường EU, nguyên đơn là Hiệp hội Thép Châu Âu (Eurofer) cáo buộc rằng thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam và Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản tăng tổng thể theo giá trị tuyệt đối và thị phần, theo Steel Orbis.

Eurofer cũng cung cấp bằng chứng cho thấy việc nhập khẩu sản phẩm này từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam có tác động tiêu cực đến khối lượng bán ra, mức giá bán và thị phần mà ngành công nghiệp EU nắm giữ. Điều này dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi đáng kể đối với hiệu suất tổng thể, tình hình tài chính và tình trạng việc làm của ngành công nghiệp EU.

Đối với Ấn Độ, nguyên đơn là Hiệp hội Thép Ấn Độ cũng đưa ra lý do tương tự khi yêu cầu chính phủ nước này điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam, theo Argus Media.

Các nhà sản xuất thép này cáo buộc rằng thép HRC nhập khẩu được bán phá giá. Đồng thời, mức giá thấp này gây áp lực lên giá cả trong nước, làm tổn hại thị phần, lợi nhuận và lợi tức đầu tư của các nhà sản xuất thép trong nước.

Theo dữ liệu từ Ủy ban nhà máy liên hợp của Bộ Thép Ấn Độ, lượng nhập khẩu thép thành phẩm từ Việt Nam đã tăng gấp đôi so với năm trước, đạt 737.000 tấn trong năm tài chính từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024. Con số này chiếm gần 9% tổng lượng nhập khẩu thép thành phẩm của Ấn Độ.

Động thái của Ấn Độ được đưa sau khi Việt Nam cũng khởi xướng thép HRC nhập khẩu từ nước này hồi tháng 7.

Hiện tại, EU là thị trường xuất khẩu thép các loại lớn thứ hai của Việt Nam (sau ASEAN), chiếm 25% tỷ trọng; Ấn Độ đứng thứ 5 với 4%.

Bình luận về việc thép Việt Nam thời gian gần đây liên tục trở đối tượng điều tra của các nước, trao đổi với chúng tôi, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thép luôn là mặt hàng “nhạy cảm” trên thế giới.

“Thép luôn là mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất thế giới. Đến một thời điểm nào đó, mặt hàng thép lại trở thành mục tiêu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các nước”, ông nói.

Làn sóng phòng vệ thương mại diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lên kế hoạch tăng công suất, khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Tính tới cuối tháng 6, Hòa Phát đã rót 42.384 tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, tăng 58% sau một quý. Tập đoàn đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép HRC/năm.

Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có những sản phẩm đầu tiên của phân kỳ 1 đưa ra thị trường. Khi hoàn thành dự án Dung Quất 2, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, tương đương Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Để tiêu thụ lượng thép từ Dung Quất 1 và 2, tập đoàn đang phải đẩy mạnh kênh xuất khẩu, trong đó có việc tìm kiếm các thị trường mới.

Chia sẻ trong webinar “Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát", Giám đốc Tài chính Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết "Mất 4 năm mới có thể đạt công suất 5,6 triệu tấn, do đó sản lượng tiêu thụ sẽ tăng dần dần theo thị trường, nằm trong áp lực bán hàng".

Tìm lực đỡ từ thị trường nội địa

Xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc bán hàng trong nước. Điều này thể hiện rõ trong cơ cấu thị trường tiêu thụ thép HRC. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu tiêu thụ thép HRC nội địa còn khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với mức 50% của 11 tháng 2023. Tính riêng tháng 11, con số này chỉ khoảng 20% trong khi năm ngoái là gần 60%.

Lượng tiêu thụ thép HRC ở thị trường nội địa trong 11 tháng năm nay đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Lực đỡ của thị trường nội địa xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm hạ nguồn có sử dụng HRC làm nguyên liệu đầu vào (tôn mạ, ống thép) đang phục hồi.

Theo đó, trong 11 tháng, sản lượng tôn mạ tăng 26% so với cùng kỳ lên 5,2 triệu tấn. Đồng thời, lượng bán hàng cũng tăng 33% lên hơn 5 triệu tấn. Tương tự, sản lượng ống thép tăng 4% lên 2,25 triệu.

Theo VSA, thị trường thép trong nước ghi nhận những tác động tích cực từ nhu cầu về tôn mạ, thép xây dựng để lợp lại nhà cửa, sửa chữa các công trình bị hư hỏng của cơn bão Yagi và một số cơn bão miền Trung trong tháng 9.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Sức ép từ thép nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu hạ nhiệt. Tháng 11 cũng là tháng đầu tiên ghi trong năm nay ghi nhập khẩu thép từ Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái với mức giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 876.000 tấn. Nếu so sánh với tháng 10, lượng thép nhập khẩu từ quốc gia này giảm tới một nửa.

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Trước đó, cuộc điều tra bắt đầu từ cuối tháng 7, với nguyên đơn là Hòa Phát và Formosa. Hai doanh nghiệp này cho rằng thép nhập khẩu từ từ Ấn Độ và Trung Quốc bán phá giá tại Việt Nam với biên độ 27,83%.

Hiện tại, Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất thép HRC với công suất tối đa khoảng 8 triệu tấn đối với Formosa (5 triệu tấn) và Hòa Phát (3 triệu tấn).

Thị trường nội địa được kỳ vọng tiếp tục có những điểm sáng trong thời gian tới. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng trong năm sau ngành thép sẽ được hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi ngành bất động sản và thúc đẩy đầu tư công. Đà phục hồi của thị trường thép này có thể kéo dài trong 2 - 3 năm tới.

Trong báo cáo mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cũng kỳ vọng thị trường nội địa sẽ sôi động hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng cho rằng thị trường thép trong nước còn tiềm ẩn nhiều thách thức do tác động chung của thị trường thép thế giới và nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn chưa thực sự phục hồi.

H.Mĩ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/xuat-khau-thep-hrc-lao-doc-hon-70-doanh-nghiep-tim-luc-do-tu-thi-truong-noi-dia.html