Xuất khẩu thứ 2 thế giới: Cà phê Việt chưa có thương hiệu tầm cỡ và bỏ trống gia tăng giá trị
Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê nhưng Việt Nam vẫn đang xuất khẩu thô nhiều năm nay. Không gian mênh mông để tạo ra giá trị cho cà phê và bị chúng ta bỏ trống hoàn toàn hoặc chỉ mới manh nha khai thác…
Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,78 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.293 USD/tấn.
Những thông tin trên được ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chuyên gia về cà phê đưa ra tại hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?” do Báo Người lao động tổ chức chiều 04/3/2023.
THẾ GIỚI CHƯA UỐNG CÀ PHÊ VIỆT NHIỀU
Nhận định về cà phê Việt, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết người Việt Nam thường chê cà phê ở châu Âu chua chua, nhạt nhạt trong khi mấy trăm năm nay họ vẫn uống như vậy; cũng như người dân nông thôn Việt Nam chê cà phê nguyên chất nhạt. Đây là câu chuyện chúng ta cần thảo luận.
Có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới, trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta. Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? Đây là cái chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh, tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm… Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại lại mạnh về cà phê Robusta.
Thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là một loại thức uống. Rất nhiều giá trị kinh tế từ cây cà phê, như: mật ong hoa cà phê, phân bón từ bã cà phê; thuốc nhộm vải, sợi, giày… cũng có thể làm từ cà phê. Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê nhưng chúng ta còn đang làm thô. Còn không gian mênh mông để chúng ta tạo ra giá trị cà phê. Không gian này chúng ta bỏ trống hoàn toàn hoặc chỉ mới là manh nha khai thác.
Về xây dựng thương hiệu cà phê phải đi từ cảm xúc gắn với văn hóa. Cà phê là một nét văn hóa. Tôi muốn nói với doanh nghiệp rằng muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng.
Rất nhiều doanh nghiệp cà phê lớn không tham gia Hiệp hội cà phê và Ca cao Việt Nam. Ngay như con cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay thống lĩnh thị trường thế giới, không ai cạnh tranh lại mà cũng có lúc trồi sụt, không bền vững thì cà phê chịu nhiều cạnh tranh. Muốn cạnh tranh thì phải xây dựng thương hiệu.
Người Thái Lan quảng cáo gạo Thái là "think rice, think Thái Lan" (nghĩ về gạo là nhớ tới Thái Lan). Vậy, thông điệp của cà phê Việt Nam có thể là "drink coffee, feel Việt Nam" (uống cà phê, phiêu Việt Nam) không?
Chúng ta muốn truyền thông điệp tăng giá trị cà phê lên 5-10 lần thì phải định vị lại dòng sản phẩm, xu thế thị trường nhu cầu thị trường. Nếu chúng ta nói câu chuyện chế biến tinh thì cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để cung cấp sản phẩm phù hợp.
VẪN LOAY HOAY BÀI TOÁN CHẾ BIẾN SÂU
Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha và chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp.
Thực tế thời gian qua, giá trị bền vững trong lĩnh vực cà phê đã tăng từng năm, khoảng 23% trong 2 năm qua với nhiều chương trình phát triển cà phê bền vững. Có điều, chúng ta chỉ đang phát triển phần ngọn và chưa quan tâm giải quyết phần gốc. Cần chung tay để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng.
Là địa phương đứng thứ 3 về diện tích canh tác cà phê trên cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết, hiện nay, diện tích cà phê tại Đắk Nông ước đạt 139.932 ha (sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng). Năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 356.612 tấn. Cà phê được trồng tại Đắk Nông chủ yếu là cà phê vối Robusta (chiếm 99% diện tích).
Theo ông Mười điểm yếu của ngành cà phê Đắk Nông là chưa chuyên sâu, còn manh mún nhỏ lẻ. Nếu không khắc phục được tình trạng này, rất khó nâng cao giá trị ngành cà phê. Tỉnh mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho tỉnh có bộ giống cây cà phê tốt. Tỉnh vừa cấp phép cho một doanh nghiệp cà phê sạch, cây cà phê trồng dưới tán rừng, dùng công nghệ sấy thăng hoa, giúp phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Tại tỉnh Gia Lai cũng đang trồng khoảng 99.000 ha cà phê, trong đó có 46.000 ha cà phê theo các tiêu chuẩn 4C, organic, áp dụng công nghệ tưới tiêu cho cà phê. Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, giá trị xuất khẩu cà phê của Gia Lai hiện đạt 490 triệu USD, tăng từ mức 323 triệu USD của năm 2021 cho thấy sự tăng trưởng nhanh về giá trị xuất khẩu.
Tỉnh Gia Lai cũng định hướng tới năm 2030 tiếp tục ổn định diện tích khoảng 100.000 ha. Ở Gia Lai, có khoảng 80 nhà máy và các cơ sở chế biến cà phê. Tỷ lệ cà phê qua chế biến khoảng 5,7%, còn lại xuất khẩu thô.
Ông Đoàn Ngọc Có cho rằng để tăng giá trị cho cây cà phê cần xuyên suốt thực hiện từ tăng giá trị đầu vào, giá trị đầu ra của sản phẩm. Trước tiên là vật tư nông nghiệp, như: giống, vì muốn giảm chi phí, tăng cạnh tranh cần phát triển giống cà phê để tăng năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh... Đồng thời, cơ giới hóa nông nghiệp, Brazil đã cơ giới hóa trong khi Việt Nam còn thủ công, cơ giới hóa còn chậm.
“Cần tập trung phát triển cho được sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn để đáp ứng thị trường. Còn nếu cứ làm như lâu nay, theo chất lượng tiêu chuẩn nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Muốn tạo sản lượng lớn, có chất lượng cao thì phải liên kết sản xuất. Ngoài ra, cần truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo hộ sản phẩm”, ông Có nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Thái Như Hiệp cần tháo gỡ nút thắt về vốn. Vì làm nông nghiệp, chúng tôi đang phải vay vốn với lãi suất 12%/năm thì làm sao làm được? Cần chính sách tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ cho các HTX, cho người nông dân, bao tiêu sản phẩm cho đầu ra cho nông dân…
Ông Hiệp cho biết thêm, ở các quốc gia, cà phê đều được bảo hộ nhưng cà phê Robusta của Việt Nam lại chưa được bảo hộ? Vậy những doanh nghiệp Việt cần đứng ra bảo hộ cho cà phê Việt, tăng giá trị cho người sản xuất và 5 tỉnh Tây Nguyên - những tỉnh trọng điểm của loại cà phê Robusta.
NGƯỜI VIỆT CŨNG CẦN CÀ PHÊ SẠCH
Tại hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng hôm nay thiếu tiếng nói của người nông dân trực tiếp trồng cà phê.
“Tôi có cảm giác chúng ta đang đổ thừa cho nông dân hay “bẻ kèo” này kia. Tôi vừa đi thực tế tỉnh Sơn La, thấy nông dân trồng được dâu, mận, cà phê hữu cơ. Tôi mong muốn các địa phương đồng lòng tạo thương hiệu chung cho cà phê Việt thay vì từng vùng”, bà Vân nói.
Hiện nhiều mô hình liên kết rất hay: Hợp tác xã - nhà cung cấp giống - nhà cung cấp vật tư - nhà cấp vốn - kỹ sư đưa quy trình - nhà tiêu thụ để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm. Với cà phê, cũng nên tạo được nhiều chuỗi liên kết, mỗi bên có một vai trò nhất định để cùng nhau tạo ra giá trị chung. Mong rằng doanh nghiệp chấp nhận đầu tư dài hơi, lỗ trước lời sau, đồng hành với nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cao.
“Tôi thấy nhiều người bàn chuyện cà phê sạch để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ... mà quên rằng người Việt Nam mình cũng cần uống cà phê sạch. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến thị trường trong nước”, bà Vân chia sẻ.
Đồng quan đểm, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế, cho rằng để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt trong thời gian tới, cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính.
Thêm nữa, phải chế biến sâu. Hiện nay, rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Thái Lan có loại cà phê cao cấp, bán đến 50 USD-100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới.
Cuối cùng, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng cà phê lớn để gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê từ các vùng trồng này.