Xuất khẩu thủy sản 6 tháng 2024 có thể đạt 4,4 tỷ USD, mục tiêu 10 tỷ USD có dễ dàng?

5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD cho năm 2024, toàn ngành có rất nhiều cơ hội, nhưng song hành là thách thức đặt ra khi thị trường ngày một khó khăn.

Sáng 10/6, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên 2024 để bàn về những khó khăn, thách thức và giải pháp để xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay.

Theo Vasep sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá XK và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024.

Tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD tăng 6% so với cùng kỳ 2023. Các mặt hàng xuất khẩu hầu hết tăng trưởng nhẹ, cho thấy sự phục hồi đang diễn ra.

Dù vậy ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên, cùng các quy định pháp luật hiện hành.

Cơ hội tăng thị phần tại Trung Quốc và Mỹ

Ngành tôm Ecuador phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm việc hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra và từ chối dán nhãn sulfite, thuế chống trợ cấp mới ở Mỹ và tiêu dùng tôm toàn cầu sụt giảm.

Hồi tháng 3, Trung Quốc tuyên bố tổng cộng 43 lô hàng tôm Ecuador đã bị từ chối trong 2 tháng đầu năm, chủ yếu do hàm lượng sulfite quá cao. Từ tháng 2, Trung Quốc siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung tôm cho thị trường này bị đình trệ.

Mặc dù mức sản xuất ổn định nhưng ngành tôm Ecuador vẫn phải đối mặt với tình trạng sản xuất thừa và giá tôm thấp nhất thế giới. Những nỗ lực phát triển thị trường mới bị cản trở bởi giá dầu tăng và khả năng tăng chi phí sản xuất và vận chuyển. Các nhà phân tích đề nghị tạm dừng xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm bớt áp lực lên thị trường.

Tại Ấn Độ, theo thông tin từ Vasep, một nhà máy sản xuất và xuất khẩu tôm lớn mới đây trở thành tâm điểm của một loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ và ngược đãi công nhân.... Sau cáo buộc đó, hàng loạt các động thái phản ứng từ các nhà nhập khẩu và thị trường Mỹ đối với tôm Ấn Độ.

Những bất lợi của ngành tôm Ecuador và Ấn Độ trong những tháng đầu năm nay có thể cũng là thông điệp quan trọng để các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam cần thận trọng với các vấn đề lao động và môi trường, an toàn thực phẩm trong quy trình nuôi trồng - chế biến – xuất khẩu đi các thị trường. Tuy nhiên, những ảnh hưởng đối với 2 nước sản xuất tôm trên cũng là cơ hội cho nguồn cung cấp tôm Việt Nam.

Cùng với đó, sản phẩm Việt Nam ngày càng được ưa chuộng. Tại các Triển lãm thủy sản quốc tế tại Mỹ và EU năm nay, các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Các sản phẩm tôm, cá tra ăn liền được các doanh nghiệp chế biến thành nhiều món ăn phong phú, đa dạng và mời khách tham quan thưởng thức ngay tại các gian hàng.

Hàng chế biến sâu phù hợp với xu hướng hiện nay người tiêu dùng bận rộn, có ít thời gian cho nấu nướng. Các sản phẩm này cũng mang lại cho doanh nghiệp biên lợi nhuận tốt hơn. Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế về trình độ chế biến, tay nghề của người lao động cao. Quy trình sản xuất hàng giá trị gia tăng áp dụng công nghệ cao và khép kín sẽ đảm bảo được việc giữ nguyên hương vị tươi ngon của hải sản, đồng thời tăng năng suất với các sản phẩm đạt chất lượng cao.

6 thách thức lớn với toàn ngành thủy sản

Cơ hội song hành thách thức, cùng với những biến động khó lường từ các nền kinh tế, ngành thủy sản được dự đoán cũng sẽ đối diện với loạt khó khăn trong thời gian tới.

Trong ngành tôm là việc thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá. Cụ thể, ngày 25/3, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh có xuất xứ từ Việt Nam.

Đây là vụ việc được khởi xướng ngày 14/11/2023 và được DOC tiến hành điều tra theo đề nghị của Hiệp hội các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ với thời kỳ điều tra từ 1/1 - 31/12/2022. Sau khi Kết luận sơ bộ được ban hành trên Công báo liên bang, Cơ quan hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) sẽ tiến hành yêu cầu đặt cọc đối với các lô hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo mức thuế chống trợ cấp sơ bộ nêu trên.

Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng kết luận sơ bộ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc xuất khẩu và sự lựa chọn của các nhà nhập khẩu đối với tôm từ các nước.

Thuế CVD với tôm Việt Nam cứ ngỡ thấp hơn Ấn Độ và Ecuador nhưng đến phút cuối DOC điều chỉnh và công nhận mức thuế của Ecuador còn 2,89% tương đương với Việt Nam”, Vasep cho hay.

Ngoài ra vụ kiện chống bán phá giá đang vào giai đoạn rà soát POR19 với diễn biến hết sức phức tạp. Cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước Ngành tôm Việt Nam phải cạnh tranh giá với tôm từ Ecuador và Ấn Độ - 2 nguồn cung lớn trên thế giới.

Ảnh: Vasep

Ảnh: Vasep

Với mặt hàng cá tra, trong khi thị trường EU tiêu thụ rất chậm và khó khăn, doanh nghiệp tập trung nhiều vào Trung Quốc, tuy nhiên tại thị trường rất bất ổn, giá liên tục giảm.

Còn tại Mỹ, các doanh nghiệp tiếp tục lo ngại về vụ kiện chống bán phá giá đang bước vào giai đoạn POR20. Do đó, mức độ phục hồi phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, tình hình nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu cũng đang gặp những khó khăn về giống, dịch bệnh và cả áp lực về vấn đề môi trường, và cạnh tranh với một số loài cá khác như cá lóc tại Trung Quốc, cá minh thái tại Mỹ, EU…

Trong ngành hải sản, thẻ vàng IUU vẫn là một gánh nặng. Năm nay, nguy cơ thiếu nguyên liệu càng hiện rõ khi thời tiết nắng nóng, sản lượng khai thác giảm. Nguồn đầu vào lại càng kẹt trong “nút cổ chai” khi mà các văn bản pháp quy của các cơ quan quản lý đang ngày càng siết chặt kiểm soát đối với nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước cũng như nguyên liệu nhập khẩu.

Tiếp đó, xung đột biển Đỏ khiến cước vận tải tăng cao tác động không nhỏ đến ngành. Các tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới từ Biển Đỏ đến vịnh Aden bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột địa chính trị ngày càng leo thang ở Trung Đông. Phần lớn các tàu hàng vẫn tránh di chuyển vào khu vực Biển Đỏ, với số lượt di chuyển hàng ngày giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây lại xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại Singapore dẫn đến lo ngại về khủng hoảng chuỗi cung ứng, giá hàng hóa tăng.

Ngoài ra, vấn đề tồn kho kéo dài ảnh hưởng đến nhu cầu và giá nhập khẩu. Cụ thể, lượng thủy sản tồn kho ở các thị trường, bao gồm cả các mặt hàng như tôm, cá, surimi vẫn là một cản trở chính đối với chiến lược của các nhà kinh doanh nhập khẩu thủy sản trong năm nay. Việc giải phóng hàng tồn kho cũng gây thêm áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng mới nhập. Ví dụ, tại Nhật Bản tồn kho tôm trên toàn quốc đạt mức trần 65.654 tấn vào tháng 11 năm 2022 và sau đó giảm dần xuống còn 48.123 tấn vào năm 2023. Tính đến cuối năm 2023, tổng tồn kho đạt 47.218 tấn.

Vấn đề cuối cùng là xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản.

Tại Nga, hiện bị cấm xuất khẩu cá thịt trắng sang Mỹ và bị áp thuế cao khi xuất sang EU. Bị hạn chế, Nga đã có các cơ chế, động thái hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ nội địa, do vậy, thị phần của hàng nhập khẩu sẽ bị thu hẹp hơn. Đồng thời Nga sẽ tập trung nhiều hơn vào thị trường rộng lớn là Trung Quốc, khiến cho cạnh tranh giữa các nguồn cung ở Trung Quốc căng thẳng hơn. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thủy sản tươi sống tiềm năng, trong đó Nga là một nhà cung cấp cua sống và hải sản sống quan trọng cho Trung Quốc.

Với Trung Quốc, việc bị cáo buộc lao động cưỡng bức tại các nhà máy chế biến khiến dòng thương mại sản phẩm gia công ở thị trường này giảm. Việc này có thể dẫn đến xu hướng chuyển dịch hàng gia công sang các nước khác ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Nhật Bản hiện bị cấm xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc sau sự vụ xả nước thải hạt nhân từ tháng 8/2023. Lệnh cấm khiến cho người Nhật bận tâm hơn với việc tìm thị trường xuất khẩu các mặt hàng hải sản chủ lực của họ như sò điệp, trong đó một phần đáng kể sẽ phải để lại tiêu thụ trong nước, cũng khiến cho nhu cầu nhập của Nhật giảm.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/xuat-khau-thuy-san-6-thang-2024-co-the-dat-44-ty-usd-muc-tieu-10-ty-usd-co-de-dang.html