Xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều thách thức

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), triển vọng xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm phụ thuộc lớn vào các yếu tố ngoại lực, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ, diễn biến chiến sự Trung Đông và mức độ phục hồi tiêu dùng toàn cầu.

Theo Vasep trong bức tranh tổng thể của nửa đầu năm, 3 thị trường chủ lực của thủy sản Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn nhất, lần lượt chiếm 19,6%, 18,2% và 15% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng tích cực là những chuyển động không đồng đều và tiềm ẩn rủi ro. Điển hình là mặt hàng tôm. Theo Vasep, Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 1 với kim ngạch đạt gần 595 triệu USD, tăng mạnh 81% so với cùng kỳ. Sự phục hồi tiêu dùng, nhu cầu cao dịp hè và nhu cầu cao đối với tôm hùm từ Việt Nam tiếp tục giúp Trung Quốc trở thành thị trường bứt phá nhất.

Để giữ vững kim ngạch xuất khẩu, việc nâng cao chất lượng là yêu cầu bắt buộc. Ảnh: Quang Vinh

Để giữ vững kim ngạch xuất khẩu, việc nâng cao chất lượng là yêu cầu bắt buộc. Ảnh: Quang Vinh

Nhóm thị trường CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cũng ghi nhận kết quả tích cực với mức tăng 38%, trong đó Nhật Bản (tăng 19%), Australia (5%) và Canada (6%) đều có mức tăng trưởng khả quan. Nhật Bản tiếp tục là thị trường đơn lẻ lớn thứ 3 của tôm Việt Nam, nhờ nhu cầu ổn định và tôm giá trị gia tăng (GTGT) là thế mạnh

Ngược lại, thị trường Mỹ từng là đầu tàu xuất khẩu của tôm Việt lại có dấu hiệu suy giảm. Dù tổng kim ngạch 6 tháng đạt 341 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ, nhưng diễn biến theo tháng cho thấy xu hướng thiếu khả quan: tháng 5 tăng vọt (+66%) do doanh nghiệp (DN) tranh thủ xuất hàng trước khi áp thuế, thì sang tháng 6 giảm mạnh 37%.

Theo bà Kim Thu - chuyên gia thị trường tôm của Vasep, dù xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 341 triệu USD trong nửa đầu năm (tăng 13%), nhưng xu hướng đang có dấu hiệu đảo chiều. Sau khi tăng mạnh 66% trong tháng 5 nhờ DN tranh thủ xuất hàng trước thời điểm bị áp thuế, kim ngạch tháng 6 đã giảm 37%. Bà Kim Thu cảnh báo, tháng 7 có thể tiếp tục ghi nhận sự chững lại, do phần lớn đơn hàng “tránh thuế” đã hoàn tất từ trước. Theo bà Thu, việc Mỹ tạm hoãn áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và thuế đối ứng đến ngày 1/8 mang lại cơ hội ngắn hạn cho một số DN, song tâm lý thị trường vẫn thận trọng.

Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Vasep, cho biết triển vọng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2025 đối với hai ngành hàng chủ lực là tôm và cá tra phụ thuộc nhiều vào chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Đặc biệt, tôm có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế” gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Ngược lại, ngành cá tra có phần tích cực hơn. Theo đó có 7 DN Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu chính sách thuế đối ứng trong thời gian tới không quá bất lợi, đây có thể là cơ hội để cá tra Việt Nam tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Cùng với đó, đầu tư vào sản phẩm chế biến sâu, thực phẩm tiện lợi sẽ giúp tăng giá trị gia tăng và đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện đại. Việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch, phòng ngừa rủi ro gian lận thương mại cũng được xem là yếu tố bắt buộc.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số toàn chuỗi sản xuất - xuất khẩu, kết hợp với kiểm soát vùng nuôi đạt chuẩn và chi phí đầu vào sẽ giúp DN giữ vững biên lợi nhuận trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gia tăng. Chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và pháp lý sẽ là “tấm khiên” quan trọng giúp DN Việt Nam ứng phó hiệu quả với các chính sách thương mại thay đổi từ các thị trường lớn.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuat-khau-thuy-san-doi-mat-nhieu-thach-thuc-10311109.html