Xuất khẩu thủy sản dự báo cán mốc 10 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD cho cả năm 2024, tăng 11,5% so với năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính, với dự báo lần lượt cán mốc 4 tỷ USD và 2 tỷ USD…

Cá tra và tôm vẫn là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản.

Cá tra và tôm vẫn là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng gần nhất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lần lượt đạt 1 tỷ USD (tháng 10) và 924 triệu USD (tháng 11).

TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ TRONG NỬA CUỐI NĂM

Ngay trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản đã đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên sau hơn 2 năm (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỷ USD.

Tính lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.

Trong đó, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11, và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm. Các sản phẩm khác như: cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. Cá ngừ, tăng 8% so với tháng 11/2023, và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.

Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó nhuyễn thể có vỏ có mức tăng trưởng ấn tượng tới 180%.

Xuất khẩu thủy sản tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2024, theo sản phẩm chính (triệu USD) - Nguồn: VASEP.

Xuất khẩu thủy sản tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2024, theo sản phẩm chính (triệu USD) - Nguồn: VASEP.

Không chỉ có các sản phẩm chủ lực, xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn phát triển mạnh các sản phẩm phụ như bột cá. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu bột cá đạt 220,4 triệu USD, và dự báo cả năm sẽ đạt 264,6 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu bột cá của Việt Nam.

Đánh giá về xuất khẩu thủy sản thời gian qua, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm.

Theo đó, xuất khẩu tôm và cá tra đều có kết quả tích cực nhờ sự hồi phục về nhu cầu và giá tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc cùng với thế mạnh sản phẩm giá trị gia tăng tại các thị trường khác như Nhật Bản, Australia… Sự hồi phục và bứt phá của các thị trường nhập khẩu chính, nhất là Mỹ, Trung Quốc đã thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng qua và những tháng cuối năm.

Trong đó, thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, với 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới.

“Mặc dù thị trường Nhật Bản, EU và Hàn Quốc không có sự bứt phá lớn trong tháng 11, nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản”, VASEP nhận định.

CÒN NHIỀU DỰ ĐỊA PHÁT TRIỂN

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Đáng chú ý, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ thời gian tới.

Hiện, thủy sản Việt Nam đang có thuận lợi lớn từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Những mặt hàng thủy sản được hưởng ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, đã cho những kết quả tăng trưởng xuất khẩu khả quan.

Đơn cử, thuế hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU được giảm xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong khi Thái Lan, Ấn Độ chưa có FTA, Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%...

Bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực và truyền thống như Hà Lan, Đức, Pháp…, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều dư địa và cơ hội để khai thác hiệu quả hơn một số thị trường tiềm năng, thị trường ngách tại EU. Dự báo nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng mặt hàng thủy sản của EU những tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng.

“Nhìn chung, năm 2024 là một năm đầy hứa hẹn đối với ngành thủy sản Việt Nam, khi xuất khẩu tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng, không chỉ về giá trị mà còn về sự đa dạng và ổn định của các thị trường và sản phẩm xuất khẩu”, VASEP nhận định.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thủy sản đang đứng thứ 8 trong top các nhóm hàng mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất, tính từ đầu năm đến ngày 15/11. Các sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn hơn bao gồm: máy tính - linh kiện; điện thoại - linh kiện; máy móc - phục tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.

Thanh Thủy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-thuy-san-du-bao-can-moc-10-ty-usd.htm