Xuất khẩu thủy sản năm 2023 khó hoàn thành kế hoạch 10 tỷ USD
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 do Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 21/12.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết ước tính đến hết tháng 12, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,27 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong đó: khai thác thủy sản đạt 3,86 triệu tấn, tương đương với năm 2022; nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,4 triệu tấn, tăng 3,5%.
So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản vượt 2,4%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, kém 0,8 tỷ USD so với kế hoạch đề ra là 10 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu thủy sản tập trung vào các mặt hàng chủ lực như: tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD...
Mục tiêu 9,5 tỷ USD năm 2024, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong quý II
Nhìn về năm 2024, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương so với ước thực hiện năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Theo ông Trần Đình Luân, nguồn lợi hải sản suy giảm; Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục là những khó khăn mà ngành tiếp tục phải đối mặt, đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa được nhiều, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa được chặt chẽ. Nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm, giá bán sản phẩm giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm theo.
Nhận diện khó khăn và triển khai nhiệm vụ năm 2024, các đại biểu cho rằng, thủy sản đã chuyển dần từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế thủy sản tập trung; phát triển thị trường, sản xuất sản phẩm đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết chuỗi sản phẩm thủy sản.
Góp ý về giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, ông Dương Long Trì, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, sản lượng tôm và cá tra đều tăng nhưng nếu tăng sản lượng mãi cũng khó khi giá không ổn định. Đến nay, sản lượng tôm nuôi khoảng 1,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 3,5 - 4 tỷ USD, trong khi trước đây chỉ có 700.000 tấn giá trị cũng đạt giá trị tương đương. Vì vậy, cần xem xét giải pháp sơ chế, chế biến để nâng cao được gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực để nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Liên quan đến quản lý khai thác thủy sản, theo ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cho biết cần hoàn thiện phần mềm nhật ký điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác tại địa phương. Ngoài ram số hóa dữ liệu là cơ sở quan trọng để quản lý, điều hành, minh bạch nghề cá, qua đó quản lý vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nguồn lực.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ đạo: "Tăng cường kiểm soát tàu cá rời cảng và về cảng. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý quản lý tàu cá tại các địa phương. Tại các cảng cá, phải giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ, thu nhật ký, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc thủy sản. Mục tiêu phải gỡ được “thẻ vàng” trong quý II năm 2024”.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý các đơn vị cần kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc và xác nhận cam kết chống khai thác bất hợp pháp, phát triển thủy sản đạt chứng nhận quốc tế.