Xuất khẩu thủy sản tiếp tục khởi sắc

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 7 tăng trưởng cao nhất và đạt kim ngạch lớn nhất kể từ đầu năm tới nay cho thấy, dấu hiệu phục hồi nhu cầu nhập khẩu rõ rệt hơn.

Xuất khẩu 7 tháng tăng 7%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 7 ước đạt trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt 5,28 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 7, xuất khẩu tất cả sản phẩm chủ lực đều khởi sắc hơn. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 11%, cao nhất trong 7 tháng năm 2024, đưa kim ngạch 7 tháng đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra tăng 23% trong tháng 7, các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số, từ 20 - 40%, trừ thị trường EU tăng nhẹ 5%. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Top 4 thị trường xuất khẩu thủy sản chính có dấu hiệu hồi phục nhu cầu rõ rệt trong tháng 7: Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) tăng 30%, Mỹ tăng 14%, Nhật Bản tăng 11% và EU tăng 14%. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) tăng 10% và chiếm tỷ trọng tương đương nhau - gần 18% tổng xuất khẩu thủy sản, đạt trên 930 triệu USD. Xuất khẩu sang EU cũng tăng 10% đạt trên 600 triệu USD. Riêng xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ 1%, đạt 426 triệu USD.

VASEP kỳ vọng nửa cuối năm, các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại, tăng tốc vào quý III và quý IV. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.

Xét về phân khúc sản phẩm đông lạnh, Mỹ và EU sẽ là 2 thị trường kỳ vọng trong nửa cuối năm trước những tín hiệu tích cực như kinh tế hồi phục, lạm phát giảm, lãi suất giảm có thể sẽ kích cầu ở những thị trường này, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP cho biết. Tuy xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc vẫn chưa đột phá với giá tương đối thấp nhưng đổi lại, đây lại là điểm đến số 1 cho phân khúc thủy sản tươi sống phục vụ cho nhà hàng, khách sạn, du lịch. Các mặt hàng tươi sống như tôm hùm, cua, ngao, ốc... sẽ vẫn hút khách hàng Trung Quốc trong thời gian tới.

Khâu chế biến, xuất khẩu phải năng động hơn

Tuy nhiên, VASEP cho biết, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cá tra và tôm đang đối diện nhiều khó khăn như cước phí vận chuyển tăng cao, thời gian vận chuyển dài hơn trước từ 7 - 10 ngày. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu cá tra nhưng hiện giá cá tra phile tại Trung Quốc rất thấp, chỉ khoảng 1,8 USD/kg. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này phải “trông chờ” vào sản phẩm phụ như bong bóng cá tra...

Cũng vậy, giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ, bà Lê Hằng thông tin. Ngành tôm của Ecuador dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2024 nhưng vẫn tăng xuất khẩu và tràn vào các thị trường Nhật Bản, Australia, EU. Hiện Ecuador đã có thị phần lớn tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, thậm chí là Ấn Độ. Bên cạnh đó, ngành tôm cũng đang đối mặt với vấn đề dịch bệnh, cụ thể là bệnh mờ đục trắng gan TPD.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, động lực tăng trưởng ngành tôm là coi trọng khâu tìm hiểu, thâm nhập thị trường; lắng nghe nhu cầu, xu thế người tiêu dùng để kịp thời đáp ứng, thu hút. Tuy nhiên, động lực này sẽ bị cản trở nếu giá cả không phải chăng. Đây là "nút thắt" của ngành, bởi giá thành tôm nuôi quá cao do nhiều yếu tố, như chất lượng tôm giống, môi trường nuôi, nguồn vốn nuôi…

Để vượt qua khó khăn, theo ông Lực, các khâu chế biến, xuất khẩu phải năng động, tích cực hơn bao giờ hết, ví dụ nghiên cứu mặt hàng mới, thậm chí đáp ứng từng lễ hội, sự kiện. Bên cạnh đó, tìm kiếm khách hàng mới thông qua việc đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối cao cấp; thực thi các giải pháp bền vững như lộ trình giảm phát thải, bảo đảm phúc lợi động vật, bảo đảm chỉ tiêu sử dụng vật tư tái chế…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, để xuất khẩu thủy sản bền vững, điều quan trọng nhất hiện nay là gỡ được thẻ vàng IUU; doanh nghiệp đa dạng sản phẩm xuất khẩu; thúc đẩy xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, điểm nghẽn ảnh hưởng đến xuất khẩu…

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/xuat-khau-thuy-san-tiep-tuc-khoi-sac-i383142/