Xuất khẩu tôm vào EU: cơ hội và thách thức

Tại hội nghị chuyên đề 'EVFTA - Cơ hội và thách thức cho ngành tôm Việt Nam' diễn ra chiều ngày 29-8, nhiều chuyên gia đã chia sẻ một số lợi thế và khó khăn trong ngành thấy được trong quá trình đàm phán hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

 Việt Nam đang chiếm 17% thị phần xuất khẩu tôm tại châu Âu. Nguồn: Cục Xuất Khẩu, Bộ Công thương

Việt Nam đang chiếm 17% thị phần xuất khẩu tôm tại châu Âu. Nguồn: Cục Xuất Khẩu, Bộ Công thương

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, so với một số đối thủ cạnh tranh tại thị trường châu Âu (EU) chưa đạt được hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU thì Việt Nam đang có lợi thế nhiều hơn trong xuất khẩu tôm. Hiện nay, các nước xuất khẩu tôm nhiều vào EU như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc và Thái Lan… lần lượt chiếm 15,1%, 10,9%, 9,1% và 7,9%; đều chưa có hoặc đang trong thời gian đàm phán FTA.

Trong khi đó, ngành tôm trong nước đã có thể tham gia chuỗi cung ứng khu vực hoặc phạm vi các nước có FTA. Cụ thể, tôm xuất khẩu mang mã HS 0306.17 đang phải nhập 80% nguyên liệu tôm. Khi tham gia EVFTA, ngành tôm đã có thể đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ trong khu vực EU với lợi thế từ việc ưu đãi thuế.

Bên cạnh đó, đối với những lô hàng tôm gộp xuất đi hơn một nước trong EU đều được giữ xuất xứ Việt Nam như ban đầu dù lô hàng nằm một thời gian ở nước đầu tiên. Ví dụ, một container tôm xuất khẩu từ Việt Nam đi EU và đưa về kho ngoại quan tại Bỉ. Trong đó, 1/3 lô hàng được đưa vào Bỉ vào dịp lễ Noel, 1/3 được đưa vào Đức vào dịp Tết Dương lịch và 1/3 được đưa sang Pháp vào dịp Tết Âm lịch. Dù lô hàng được xuất vào các nước vào thời gian khác nhau từ kho quan ngại của Bỉ nhưng doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần chứng minh xuất xứ một lần.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu tôm còn có thể cộng gộp xuất xứ cho lô hàng của mình dù ngoài tôm có xuất xứ Việt Nam, doanh nghiệp còn kèm theo một mặt hàng thủy hải sản khác nhập từ nước khác trong khối FTA.

Tại sự kiện, các chuyên ra còn chỉ ra các thách thức mà ngành tôm sẽ gặp phải bên cạnh các cơ hội. Trước tiên, là thách thức về cạnh tranh của sản phẩm này từ các nước trong khối FTA sẽ tràn vào Việt Nam cũng đang được hưởng ưu đãi thuế.

Theo đánh giá của công ty kiểm định, quản lý chất lượng Bureau Veritas Việt Nam, các nhà xuất khẩu tôm đang gặp khó khăn trong việc duy trì an toàn thực phẩm và chứng nhận truy xuất nguồn gốc hàng đưa vào EU.

Đáng chú ý, những nhà nhập khẩu sẽ đưa ra các yêu cầu tiêu chuẩn buộc người sản xuất tôm phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ người lao động trong doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Việt Anh, Quản lý Kỹ thuật của GlobalG.A.P, các tiêu chuẩn này nằm ở Điểm 2, Điều 6.4, Chương 6 và Khoản a, Điểm 1, Điều 6.7 của EVFTA. Tuy nhiên, ngành tôm còn nhiều hộ sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ, trình độ canh tác lạc hậu sẽ khó đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Hơn nữa, nhiều người nuôi tôm vẫn còn sử dụng chất kháng sinh tuy đã giảm nhưng vẫn còn phổ biến.

Về việc truy xuất nguồn gốc, các diễn giả cho rằng các nhà xuất khẩu tôm nên tập thói quen ghi chép lịch sử nguồn gốc của mặt hàng tôm. Đây chưa phải là thói quen của doanh nghiệp trong ngành khi phải ghi chép dữ liệu theo thời gian và hành trình sản xuất.

Việc ghi chép trong truy xuất nguồn gốc phải bắt đầu từ dữ liệu của tàu đánh bắt tôm ở phạm vi địa lý nào trên biển. Doanh nghiệp phải chứng minh được tàu mình sử dụng phải là của người Việt hay trong khối EU hay lực lượng thủy thủ tàu là người Việt.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293439/xuat-khau-tom-vao-eu-co-hoi-va-thach-thuc.html