Xuất khẩu TP.HCM dần phục hồi
Kim ngạch xuất khẩu qua các cảng TP.HCM trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng và tìm cách phục hồi về kết quả năm 2019.
Tại buổi họp báo về các hoạt động trọng tâm của ngành công thương TP.HCM trong quý II/2024, ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho biết ngành dệt may 4 tháng đầu năm đã có tăng trưởng.
Lý do là các thị trường đã phục hồi, tồn kho của các nhà mua hàng đã dưới mức tối thiểu nên bắt đầu nhập hàng trở lại, qua đó sức mua ở 4 thị trường truyền thống của ngành dệt may Việt Nam gia tăng. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đã thích ứng với việc sản xuất các đơn hàng nhỏ và chủ động sản xuất một số nguyên phụ liệu ngành may.
"Hiện ngành dệt may chưa phục hồi được so với năm 2019, nhưng các doanh nghiệp cũng đã tái cấu trúc và đầu tư thiết bị để tăng năng suất", ông Việt chia sẻ.
Hầu hết ngành xuất khẩu đều tăng trưởng 2 chữ số
Thực tế, từ dữ liệu của Cục Hải quan TP.HCM, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương TP) cho biết kim ngạch xuất khẩu của TP trong 4 tháng đầu năm ở mức khá cao, đạt 12,5 tỷ USD và tăng 69% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, hầu hết nhóm ngành đều tăng trưởng 2 chữ số. Riêng dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, tăng 40%. Qua trao đổi với doanh nghiệp, ông Hiếu cho biết hầu hết đơn vị trong ngành đã có đơn hàng đến cuối năm.
Hay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 175,6 triệu USD, tăng hơn 80%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 912,8 triệu USD, tăng 41%...
Đi kèm với kết quả này, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm của TP.HCM cũng tăng 5%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng hơn 1%. Trong đó, 4 ngành trọng điểm gồm điện tử, hóa dược, lương thực thực phẩm và cơ khí tăng gần 7%, riêng hóa dược tăng đến 19%.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh bản chất thị trường vẫn chưa tăng trưởng mà chỉ mới hồi phục về trạng thái của năm 2020, bởi cùng kỳ 4 tháng đầu năm ngoái giảm rất nghiêm trọng.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bảo - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho biết tình hình ngành gỗ và nội thất rất khả quan so với năm ngoái, nhưng so với giai đoạn 2021-2022 thì "chỉ mới quay trở lại đường đua".
"Nhà mua hàng ở các thị trường đã sử dụng hết hàng tồn kho nên cần nhập mới, nhưng cũng phải từ từ thăm dò sức mua của người tiêu dùng, chưa biết được đến cuối năm thì như thế nào", ông Bảo nói thêm.
Trong khi đó, với xuất khẩu rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng - CEO Vina T&T Group, đồng thời là Chủ tịch Hội sản phẩm nông nghiệp sạch TP.HCM - cho biết đặc thù ngành này khi thị trường chung càng khó khăn thì càng vươn lên.
Thực tế, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm rất tốt, đặc biệt với sầu riêng xuất sang Trung Quốc, hay bưởi qua New Zealand, Australia, Mỹ...
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành hiện nay là vấn đề nguồn cung, khi các vấn đề về thời tiết như nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới hay hạn mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy doanh nghiệp xuất khẩu vào "cuộc chiến gay gắt", theo ông Tùng.
Đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường
Sắp tới, Vina T&T và hơn 20 doanh nghiệp khác trong Hội sản phẩm nông nghiệp sạch TP.HCM sẽ đầu tư gian hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024 để tìm kiếm cơ hội tiếp cận với các nhà mua hàng quốc tế. Chương trình do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức từ ngày 8 đến 11/5.
Riêng Vina T&T đặt mục tiêu làm việc thêm với các hệ thống bán lẻ trong nước để đẩy mạnh thị trường nội địa hơn.
Với HAWA, ông Nguyễn Hoài Bảo cho biết các doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia các hội chợ để tiếp cận các nhà mua hàng mới nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo ông Lê Minh Trung - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Công Thương TP.HCM) - Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm nay có quy mô gấp đôi năm ngoái, lên đến 450 gian hàng, đến nay đã có 430 gian hàng được đăng ký.
Qua đó, hội chợ quy tụ 400 doanh nghiệp của 7 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm thực phẩm và đồ uống; nông thủy sản; đồ gỗ và mỹ nghệ; dệt may, da giày, túi xách; cao su, nhựa; điện tử, cơ khí; các ngành dịch vụ, hỗ trợ khác.
Về phía nhà mua hàng, có các hệ thống siêu thị lớn như Central Retail, MM Mega Market, Winmart, Kohnan (Nhật Bản), các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba, và 346 nhà mua hàng quốc tế cùng 210 nhà mua hàng trong nước.
Dù vậy, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - thừa nhận dù quy mô tăng gấp đôi năm ngoái, vẫn chưa đúng với tiềm năng và mong muốn của cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, bởi các thị trường tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ.
Góp ý thêm cho Sở Công Thương TP, ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho rằng cần có những đoàn khách doanh nghiệp hoặc tham tán, đại sứ của các nước là những thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU. Bởi thực tế, các thị trường này đang có nhu cầu lớn đối với hàng hóa Việt Nam.
Ghi nhận ý kiến này, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục cải thiện trong các hội chợ, chương trình sau.
"Làm một hội chợ xuất khẩu thì quan trọng nhất là nhà mua hàng, lẽ ra phải có một cách tiếp cận riêng với mỗi thị trường để thu hút nhà mua hàng đến, bên cạnh các chính sách ưu đãi và cách tiếp cận chung như hiện tại", ông Phương nói.
Nguồn Znews: https://znews.vn/xuat-khau-tphcm-dan-phuc-hoi-post1473590.html