Xuất khẩu vào CPTPP: 60% sản phẩm chưa tận dụng ưu đãi thuế bằng 0
Cơ quan Thương vụ cho biết, có khoảng 4 tỉ USD, tức là khoảng 60% các sản phẩm của Việt Nam đáng lý được hưởng thuế CPTPP bằng 0 nhưng các DN vẫn chưa tận dụng được.
CPTPP là thị trường lớn có nhiều tiềm năng đối với các DN xuất khẩu Việt Nam. Dù kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP tích cực, nhưng giá trị mặt hàng còn khiêm tốn, tỷ lệ thị phần lại chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân được cho là do DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu riêng.
Là DN có nhiều năm tham gia hoạt động xuất khẩu sản phảm quế, hồi vào thị trường các nước CPTPP, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam Vinasamex chia sẻ, từ năm 2013 DN bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị bởi nhu cầu bắt buộc của thị trường. Đối với những thị trường khó tính trong CPTPP, DN không thể cứ nói rằng chất lượng sản phẩm rất tốt, trong khi không có một chứng nhận nào.
“DN dò dẫm xây dựng chuỗi giá trị từ việc đào tạo quy trình sản xuất cho người nông dân. Khi sản phẩm đảm bảo, DN đăng ký những chứng nhận quốc tế để có “giấy thông hành” giúp DN tiếp cận và bán được sản phẩm. Chuỗi giá trị giúp DN nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm quế, hồi và gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế”, bà Huyền cho biết.
Hiện nay, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể số lượng các DN Việt Nam xuất khẩu vào CPTPP bằng thương hiệu riêng, nhưng nhìn chung số lượng còn rất khiêm tốn. Bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay các DN xuất khẩu chủ yếu là các DNNVV, với hình thức chủ yếu vẫn là gia công, hoặc xuất khẩu ở dạng nguyên thô, dạng nguyên liệu.
“Các nhà sản xuất, nhà chế biến của nước ngoài họ thu mua, chế biến lại sản phẩm thô của Việt Nam, sau đó đóng bao bì và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Nếu cứ duy trì tình trạng này, giá trị gia tăng sản phẩm cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam chưa biết đến khi nào lan tỏa”, bà Trịnh Huyền Mai nêu thực tế.
Ở góc độ khác, khi chứng kiến tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP đối với hàng hóa xuất khẩu và Canada còn quá thấp, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada không khỏi xót xa. Bà Quỳnh cho hay, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan mới đạt khoảng 18%, còn 81% hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN.
“Mặc dù tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu Việt Nam qua 5 năm tăng đều, nhưng khoảng 4 tỉ USD, tức là khoảng 60% các sản phẩm của Việt Nam đáng lý được hưởng thuế CPTPP bằng 0, nhưng các DN vẫn chưa tận dụng được. Trong khi các mặt hàng như giày dép, quần áo, đồ chơi, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, nhựa… đều là những sản phẩm hoàn toàn có thể phát triển theo thương hiệu riêng, nhưng thực tế nhiều sản phẩm vẫn chưa có mặt ở thị trường sở tại”, bà Thu Quỳnh tỏ vẻ tiếc nuối.
Để tận dụng được hoạt động xúc tiến thương mại từ đó xây dựng, phát triển thương hiệu cho hiệu quả, bà Trịnh Huyền Mai, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý, các DN nên chủ động gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc cải tiến thường xuyên chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường đích. Trong đó hết sức lưu ý những vấn đề đang được các trường rất quan tâm, như chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
“DN chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam khi thâm nhập các thị trường mới. Ngoài việc đầu tư về chiến lược thương hiệu thật bài bản, các DN cũng cần quan tâm đến kế hoạch truyền thông định kỳ; đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của DN ở thị trường nước ngoài”, bà Mai lưu ý.
Theo quan điểm của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), có những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% - 5% lượng hàng nước sở tại, trong khi dung lượng thị trường quá lớn nên DN cần suy nghĩ cách nâng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu sao cho hiệu quả.
Theo ông Khanh, muốn xây dựng thương hiệu riêng tại các thi trường xuất khẩu, điều đầu tiên các DN cần phải nghĩ đến tiêu chuẩn. Mỗi quốc gia đều có tiêu chuẩn riêng, nhưng về cơ bản là phải đảm bảo an toàn thực phẩm và những điều kiện thị trường yêu cầu, như sản phẩm xanh, sạch thậm chí phải qua chuyển đổi số.
“DN phải xác định nghiên cứu yêu cầu thị trường sau đó mới nhìn lại DN đang có cái gì. Thực tế xây dựng thương hiệu không phải cần rất nhiều tiền ngay mà quan trọng là tinh thần sẵn sàng. DN không nhất thiết phải có nguồn lực lớn để làm thương hiệu, quan trọng nhất vẫn là có chiến lược”, ông Khanh nêu định hướng.
Gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu Việt Nam sang thị trường CPTPP, không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, xúc tiến thương mại mà còn có vai trò quan trọng của các DN, hiệp hội ngành hàng. Để tạo lập giá trị bền vững, các DN cần tạo sự khác biệt và xây dựng giá trị bền vững cho thương hiệu. Qua đó nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam sang các thị trường trong CPTPP, cũng như tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA thế hệ mới.