Xuất khẩu Việt Nam chịu sức ép phòng vệ thương mại ngày một lớn
Ba loại tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam gần đây bị Mỹ đưa vào phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc. Còn ở thị trường Indonesia, doanh nghiệp dệt may, giày dép… trong nước đang lo lắng trước tuyên bố của chính phủ nước này về việc cân nhắc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) với các mặt hàng nhập khẩu của họ…
(KTSG Online) – Ba loại tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam gần đây bị Mỹ đưa vào phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc. Còn ở thị trường Indonesia, doanh nghiệp dệt may, giày dép… trong nước đang lo lắng trước tuyên bố của chính phủ nước này về việc cân nhắc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) với các mặt hàng nhập khẩu của họ…
Những vụ việc trên nối dài danh sách sản phẩm xuất khẩu Việt Nam bị các nước áp dụng biện pháp PVTM, điều tra né thuế… Điều này cho thấy đi cùng với tăng xuất khẩu thì doanh nghiệp trong nước đối mặt với sự gia tăng số vụ điều tra PVTM của các thị trường nhập khẩu. Bối cảnh này đòi hỏi doanh nghiệp cần có biện pháp ứng phó kịp thời để giữ thị trường xuất khẩu.
Hàng Việt vào tầm ngắm PVTM của các nước
Truyền thông trong nước gần đây đưa tin việc Mỹ bỏ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tủ gỗ, bàn trang điểm Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp hoạt động ngành này phấn khởi.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác trong kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vẫn giữ nguyên kết luận sơ bộ điều chỉnh vào tháng 9-2023.
Theo đó, có 3 trường hợp tủ gỗ nhập từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc bị xác định thuộc phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc.
Thứ nhất, sản phẩm có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
Thứ hai, sản phẩm có cửa, mặt hộc và khung gỗ là bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
Thứ ba, sản phẩm có các chi tiết bán thành phẩm của cửa, mặt hộc và khung gỗ (bao gồm đai, trụ, ván) được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
Từ tháng 4-2020 đến nay, Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% – 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% – 293,45%.
Đây là mức thuế khá cao mà doanh nghiệp Trung Quốc rất khó cạnh tranh khi đưa hàng hóa vào thị trường Mỹ thì giờ đây doanh nghiệp ngành này của Việt Nam có thể cũng bị áp mức thuế này từ phía Mỹ.
Vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh bị DOC lần lượt khởi xướng từ giữa năm 2022.
Trước đó, theo dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), trong giai đoạn 2019-2021, sau khi Mỹ áp thuế với Trung Quốc, nhập khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 54% (từ 2,5 xuống còn 1,6 tỉ đô la), trong khi đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng hơn 130% (từ 1,37 lên 2,7 tỉ đô la).
Thực tế, ngành gỗ thời gian qua đứng trước rủi ro ngày càng tăng liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá, truy xuất vi phạm nguồn gốc xuất xứ. Để tránh các rủi ro về PVTM, các doanh nghiệp được khuyến cáo tăng cường kiểm soát gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp, đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh quá tập trung vào một thị trường…
Một diễn biến khác, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia mới đây dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan, rằng đã chấp thuận chính sách bảo vệ ngành dệt may. Theo đó sẽ có ít nhất 2 biện pháp áp dụng, gồm áp thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ với mức 100–200%.
Hiện Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may nhiều nhất vào Indonesia và sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu các mức thuế suất nói trên được ban hành. Kim ngạch hàng dệt may của Việt Nam sang Indonesia đang ở mức 800 triệu đô la Mỹ/năm. Với mức thuế từ 100 – 200% sẽ đẩy giá bán tăng lên gấp 2-3 lần, rất khó cạnh tranh.
Bên cạnh dệt may, Indonesia dự kiến cũng sẽ áp dụng các biện pháp PVTM đối với mặt hàng giày dép và điện tử. Đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam ở thị trường này với tổng kim ngạch khoảng 1,5 tỉ đô la trong năm 2023.
Không chỉ hai vụ việc nói trên, tình hình cho thấy các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam ngày càng gia tăng các cuộc điều tra PVTM như: điều tra chống bán phá giá, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM và chống trợ cấp đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, hàng Việt đang phải đối mặt với tổng cộng 252 vụ việc điều tra phòng vệ từ 24 thị trường. Bên cạnh Mỹ và EU, nhiều thị trường nhập khẩu như Ấn Độ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng tiến hành các vụ điều tra hàng hóa Việt Nam. Các nước trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines cũng thực hiện PVTM với hàng hóa Việt Nam.
Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, như nhôm, thép, sợi, thủy sản, gỗ dán, cao su, dệt may, vật liệu xây dựng, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, mật ong… là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu.
Chủ động tìm cách ứng phó
Chỉ ra nguyên nhân khiến hàng hóa xuất khẩu bị khởi kiện PVTM ngày càng nhiều, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mở, đã ký kết nhiều Hiệp định FTA, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu. Doanh nghiệp đã tận dụng các FTA, mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu.
Sự vươn lên của các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam với thế mạnh hàng hóa có giá cả phải chăng, đạt tiêu chuẩn chất lượng khiến nhiều thị trường nhập khẩu áp dụng các biện pháp PVTM với tần suất cao hơn. Giới phân tích dự báo, số vụ điều tra PVTM của các nước với hàng hóa Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi mà kim ngạch nhập khẩu mặt hàng nào đó từ Việt Nam tăng nhanh, gây áp lực cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp các nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, con số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không phản ánh đúng thực lực sản xuất nội tại của đất nước, bởi trên thực tế, khối đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp hơn 70% vào thành tích này trong nhiều năm qua.
Thậm chí có những nhóm hàng hóa xuất khẩu có giá trị lớn như pin năng lượng mặt trời nhưng phần lớn là doanh nghiệp FDI, cụ thể là từ Trung Quốc đầu tư khiến cho các nước nhập khẩu như Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Hay có những nhóm sản phẩm doanh nghiệp trong nước có năng lực sản xuất tốt, nhưng vốn FDI vẫn rót vào nhiều. Điều này, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là không cần thiết, vì hoạt động của khối FDI vừa cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, vừa dẫn đến tăng cao kim ngạch xuất khẩu. Từ đó, khiến các nước nhập khẩu mặt hàng này đưa ra biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất nước họ. Vô hình trung, sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cũng bị vạ lây.
Có ý kiến lo ngại một số ngành, hàng hóa của Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư “núp bóng” của một số nhà đầu tư ngoại ở thị trường Trung Quốc nhằm lẫn tránh thuế cao do Mỹ và một số nước áp với hàng hóa nhập từ nước này.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, dù chưa có thống kê nhưng nhưng nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc nhà đầu tư từ Trung Quốc chỉ để lấy xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu. Khi các thông tin xuất hiện ngày một nhiều, dẫn đến các nước nhập khẩu nghi ngờ về việc có sự đồng thuận của các doanh nghiệp trong nước về hoạt động này.
Thực tiễn cho thấy nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu. Các chuyên gia khuyến cáo việc tiếp nhận vốn FDI chọn lọc, không để doanh nghiệp ngoại tận dụng những ưu đãi thuế của các thị trường mà Việt Nam ký kết FTA để đầu tư xuất khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng, giải pháp thích ứng tốt là mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị đủ kiến thức về lĩnh vực, theo dõi chặt lượng hàng xuất khẩu, bình tĩnh xử lý từng vụ việc để giảm thiệt hại. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động lưu trữ hồ sơ, dữ liệu; hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp thông tin kịp thời, chứng minh nhà xuất khẩu không bán phá giá, không nhận trợ cấp…