Xuất khẩu Việt Nam sang EU được cải thiện nhờ EVFTA

Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng lên. Cụ thể, từ mức giảm 1,8% năm 2020 tăng lên hơn 14% năm 2021 và gần 17% năm 2022.

May mặc được đánh giá là một trong những mặt hàng hưởng lợi trong dài hạn từ EVFTA. Ảnh minh họa: TL

May mặc được đánh giá là một trong những mặt hàng hưởng lợi trong dài hạn từ EVFTA. Ảnh minh họa: TL

Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá kết quả ba năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đối với kinh tế Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào cuối tuần qua, theo Baochinhphu.vn

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU của nhiều mặt hàng của Việt Nam có xu hướng tăng lên, đặc biệt trong hai năm đầu.

Tuy nhiên, tác động đối với xuất khẩu vào EU trong năm thứ ba có phần kém tích cực hơn, có thể là do kinh tế thế giới nói chung và kinh tế EU nói riêng gặp những khó khăn bởi nhiều yếu tố (xung đột địa chính trị; xung đột Nga-Ukraine; tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới và áp lực lạm phát; lãi suất điều hành và các quy định đối với nhập khẩu có xu hướng gia tăng ở thị trường EU…).

Bên cạnh đó, EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại, góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung đã cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi.

Đối với đầu tư nước ngoài, tác động với dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt khi xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI của Việt Nam. Cụ thể, Hà Lan, Pháp, Luxembourg, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là sáu nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.

Tuy vậy, nếu so sánh vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm cuối tháng 7-2023 với vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm tháng 7-2020 thì có thể thấy tác động của EVFTA đối với thu hút vốn FDI từ EU còn tương đối khiêm tốn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng hưởng lợi nếu xét ở góc độ thể chế, theo đó, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới. Kết quả phân tích của CIEM cho thấy, các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính, mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.

Chính Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-viet-nam-sang-eu-duoc-cai-thien-nho-evfta/