Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục: Dấu ấn trong điều hành của Bộ Công Thương

Kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến sẽ tiếp tục đạt mức kỷ lục trong năm nay. Kết quả này là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có nỗ lực của Bộ Công Thương.

Nhiều giải pháp gỡ khó cho xuất nhập khẩu

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 439,88 tỷ USD. Xét theo quy luật hàng năm là xuất nhập khẩu có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể đạt đến con số 780-790 tỷ USD, thậm chí có thể tiệm cận dấu mốc 800 tỷ USD – con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Những khó khăn, bó buộc trong suốt 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung đã và đang dần được gỡ bỏ. Sự chuẩn bị chu đáo của doanh nghiệp trong suốt 2 năm nhu cầu thế giới gần như “đóng băng” hiện đang giúp thu lại “quả ngọt” là những con số kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng rất cao, lên đến 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Phải khẳng định, công tác xuất nhập khẩu hiện đang có được điều kiện vô cùng tốt khi hàng loạt các mặt hàng nông sản chủ lực nước ta như gạo, hạt tiêu, cà phê… đang có giá rất tốt. Những ảnh hưởng từ tình trạng biến đổi khí hậu trái đất khiến nguồn cung một số sản phẩm bị ảnh hưởng, tác động giúp nâng giá bán, khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi.

“Thiên thời, địa lợi” là vậy, song không thể không nhắc đến “nhân hòa” là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ ngành, lòng quyết tâm của doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đã vào cuộc kịp thời khi cước vận tải biển tăng cao (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương đã vào cuộc kịp thời khi cước vận tải biển tăng cao (Ảnh minh họa)

Đơn cử, trong bối cảnh cước tàu biển “sôi sục” như giai đoạn vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã vào cuộc kịp thời khi liên tục có những khuyến cáo với doanh nghiệp, hiệp hội, các ngành hàng về diễn biến tình hình thị trường; các giải pháp phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế. Trong đó có tuyến đường vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.

Cũng trong giai đoạn khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp có thư gửi ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) đề xuất một số nội dung liên quan đến vấn đề đề xuất những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn.

Về công tác thường xuyên, hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thời gian qua đã được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai và tiếp tục đạt kết quả tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Do vậy, xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn trong những tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 7/2024 (Ảnh: Phương Anh)

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 7/2024 (Ảnh: Phương Anh)

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương chia sẻ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực làm tốt công tác xúc tiến thương mại nhằm giúp hàng Việt tăng cường kết nối và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, Cục Xúc tiến thương mại đã nỗ lực làm tốt công tác thông tin thị trường xuất khẩu, thông tin chính sách thương mại của các nước nhập khẩu; tiêu chuẩn quy định của các sản phẩm nhập khẩu; nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của các thị trường mục tiêu và thông tin có tính dự báo của các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thông qua các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức định kỳ hàng tháng.

Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước thông qua việc tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài; tổ chức các đoàn giao thương ở nước ngoài; tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu; tổ chức hội nghị, hội chợ các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, tăng cường kết nối giao thương cho các nhóm sản phẩm, nhóm thị trường gắn với đẩy mạnh quảng bá, vận động các địa phương tham gia tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại mang tính vùng miền có quy mô lớn để tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng hơn, sâu hơn…

“Các hoạt động trên đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng được lợi thế từ các FTA. Qua đó tăng cường kết nối và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Vũ Bá Phú khẳng định.

Song song với đó, Bộ Công Thương đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương chia sẻ, thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các FTA, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất những ưu đãi từ hiệp định. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các ưu đãi về xuất xứ hàng hóa từ các FTA thông qua việc tạo thuận lợi trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O. Bộ cũng đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Bên cạnh đó, triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi.

“Hơn nữa, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường” – ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) Bộ Công Thương đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tích chung.

Cụ thể, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hóa. Hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung nhiều hơn vào các nhóm mặt hàng hoặc thị trường cụ thể nhằm hỗ trợ hàng hóa của doanh nghiệp tiếp cận nhiều bạn hàng ở nhiều thị trường hơn.

Song song với đó, Bộ Công Thương đã hỗ trợ doanh nghiệp hiểu và tận dụng ngày càng tốt hơn các FTA đã ký kết.

Ngoài ra, Bộ Công Thương nỗ lực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ đối với hàng hóa xuất khẩu mà cả hàng hóa nhập khẩu. Nhờ đó, hỗ trợ hàng hóa nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong tận dụng hiệu quả các FTA. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại đã được triển khai mạnh mẽ nhằm giúp doanh nghiệp khai mở thị trường.

“Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thông tin thị trường là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất các cơ quan Thương vụ thuộc Bộ Công Thương cung cấp, cập nhật thông tin cảnh báo các nguy cơ bị kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng da giầy, túi xách tại thị trường sở tại; cập nhật hướng dẫn thực thi đạo luật chống phá rừng và đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng vừa mới ban hành của EU để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng…” – bà Phan Thị Thanh Xuân kỳ vọng.

Có thể thấy, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực điều hành của Bộ Công Thương và quyết tâm của doanh nghiệp đã tạo nên sức mạnh tổng thể giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đạt được kết quả quan trọng. Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định tiếp tục phổ biến thông tin đến doanh nghiệp, địa phương nội dung quan trọng nhất của các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt với các thị trường quan trọng. Hiện tại, Bộ Công Thương đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong hội nhập quốc tế nói chung, xúc tiến thương mại nói riêng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-nhap-khau-dat-ky-luc-dau-an-trong-dieu-hanh-cua-bo-cong-thuong-336016.html