Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường CPTPP vượt 102 tỷ USD
Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường CPTPP ước đạt 102,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023, chiếm 13,1% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung...
Tổng hợp thông tin tình hình hợp tác, giao thương của Việt Nam với thị trường thành viên CPTPP của Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy trong năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường CPTPP ước đạt 102,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023, chiếm 13,1% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khối thị trường CPTPP ước đạt 55,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng 13,8% của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ các thị trường thành viên CPTPP ước đạt 46,4 tỷ USD, tăng 2% so với năm trước, vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ước đạt gần 17% của tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung.
Trong năm 2024 đã có sự dịch chuyển cơ cấu thị trường xuất khẩu giữa các thành viên CPTPP. Trong đó, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường Canada, Australia, Mexico, Singapore trong khi thu hẹp tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (từ 46,6% trong năm 2023 xuống 44,1% trong năm 2024).
Đáng chú ý nhất là thị trường Australia, với tỷ trọng xuất khẩu tăng từ 10,4% trong năm 2023 lên 11,6% trong năm 2024. Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường Chile, New Zealand, Peru và Brunei vẫn đạt thấp, chiếm tỷ trọng dưới 2,5% trên tổng xuất khẩu sang thị trường CPTPP.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP cũng có sự thay đổi. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang những tập trung nhiều ở nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, với 6 mặt hàng dẫn đầu đều thuộc nhóm này, bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; và giày dép các loại. Đây cũng là những nhóm hàng đem lại động lực tăng trưởng lớn nhất trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP.
Trong năm 2024, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường CPTPP với kim ngạch ước đạt 7,12 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm trước, chiếm 12,8% tỷ trọng trên tổng xuất khẩu sang thị trường CPTPP. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng này là nhờ nhu cầu tiêu thụ máy móc phụ tùng Việt Nam của các thị trường Australia, Canada và Chile với mức tăng trưởng mạnh trên 100% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường CPTPP nhìn chung vẫn gặp khó khăn trong việc tận dụng lợi ích từ Hiệp định. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh của Việt Nam nhưng thị phần tại CPTPP còn khiêm tốn so với dung lượng thị trường đang có, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
Tiêu biểu như mặt hàng gạo, chiếm 1% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP và chiếm khoảng 12% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Mặt hàng cà phê chiếm 1,3% trên tổng xuất khẩu sang CPTPP và chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam). Mặt hàng rau quả chiếm tỷ trọng lần lượt 0,9% và gần 7%...
Tuy nhiên, báo cáo nhận định điểm đáng tích cực là kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường CPTPP đạt 555,8 triệu USD, tăng tới 74,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cà phê cũng đạt mức tăng trưởng 26%; rau quả tăng 20,6%; cao su tăng 118%...
Đặc biệt, báo cáo tổng hợp cũng cho thấy trong những năm qua, Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường CPTPP.
Trong năm 2024, ước tính xuất siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP lên tới 9,4 tỷ USD, tăn gấp đôi so với mức xuất siêu 4,7 tỷ USD trong năm trước. Kết quả này chỉ rõ, thương mại với các thị trường thành viên CPTPP đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng thặng dư thương mại của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đóng góp lớn nhất trong tổng xuất siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP trong năm qua là Canada với 5,48 tỷ USD, tăng 9,7% so với con số xuất siêu năm trước. Ngoài ra, xuất siêu của Việt Nam với Mexico cũng ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước.
Ở chiều ngược lại, Malaysia là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam tại CPTPP với mức nhập siêu ước đạt 4 tỷ USD, vượt xa so với mức nhập siêu 2,9 tỷ USD của Việt Nam với thị trường này trong năm 2023.