Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mốc 700 tỷ USD
Một cột mốc mới của xuất nhập khẩu hàng hóa là 700 tỷ USD đã được ghi nhận vào ngày 15/12/2022.
Trong tiến trình hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế khu vực và nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các đối tác lớn trên thế giới, sự tác động của đại dịch COVID-19 trong các năm 2020 và 2021, xung đột địa chính trị và các nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái. Trong tình hình đó, Việt Nam đã từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập để phát triển kinh tế bền vững và là đối tác thương mại đáng tin cậy.
Trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 10 năm từ năm 2012 đến năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại.
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề cùng với các tỉnh, thành phố, và nổ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, trong 2 thập kỷ qua xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã liên tiếp đạt các mốc kỷ lục như sau: Năm 2001 là năm đầu tiên của thế kỷ 21 ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD.
Sau 6 năm, đến năm 2007, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới.
Bốn năm sau, năm 2011 ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Trong 4 năm tiếp theo, đến năm 2015 xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD.
Cột mốc 400 tỷ USD của xuất nhập khẩu hàng hóa được ghi nhận vào giữa tháng 12/2017, cột mốc 500 tỷ USD được ghi nhận vào giữa tháng 12/2019, cột mốc 600 tỷ USD được ghi nhận vào ngày 30/11/2021.
Một cột mốc mới 700 tỷ USD sẽ được ghi nhận vào ngày 15/12/2022 (tính đến ngày 14/12/2022, trị giá xuất nhập khẩu là 698,5 tỷ USD).
Theo công bố của Tổ chức Thương mại thế giới, trong năm 2006 nền kinh tế Việt Nam được xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa. Sau hơn 10 năm, đến năm 2018, Việt Nam đã có bước tăng ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Theo đó, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.
Với xếp hạng gần đây trong năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 trên thế giới. Trong ASEAN, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trị thứ 2 (chỉ sau Singapore) và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore).
Với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa ấn tượng ghi nhận trong năm 2022, thứ hạng xuất khẩu nhập của nước ta có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư (xuất siêu) liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu).
Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đạt đỉnh điểm 18,02 tỷ USD ghi nhận trong năm 2008. Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta đã đổi chiều, chuyển sang thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Trong năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta đã đạt kỷ lục với con số thặng dư lên tới 19,94 tỷ USD. Kết thúc năm 2021, thặng dư thương mại giảm mạnh, chỉ còn 3,32 tỷ USD. Trong 11 tháng từ đầu năm 2022, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã tăng cao trở lại, đạt 10,68 tỷ USD.
Trong 11 tháng từ đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 468,7 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tính từ đầu năm đến hết 11 tháng 2022, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD). Như vậy, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022 đều vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.
Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, … qua đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hải quan, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và kết quả trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan, cải cách thể chế, chuẩn bị thực hiện Hải quan số. Theo đó: Cho đến nay, đã có 14,5 triệu tờ khai làm thủ tục hải quan, tăng 5,1% so với cùng thời gian năm 2021; trong đó có 7,5 triệu tờ khai xuất khẩu, tăng 5,4% và hơn 7 triệu tờ khai nhập khẩu, tăng 4,7%. Số lượng tờ khai làm thủ tục hải quan điện tử chiếm 97,5%.
Trên phạm vi toàn quốc, số lượng doanh nghiệp có tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa là 96,1 nghìn, trong đó số lượng doanh nghiệp làm thủ tục hải quan theo phương thức điện tử chiếm 99,8% với trị giá chiếm 99,95%.
Hiện tại, có tất cả 46 ngân hàng thương mại tham gia phối hợp thu ngân sách với Tổng cục Hải quan, trong đó có 36 ngân hàng thương mại thực hiện thu qua Cổng thanh toán điện tử và thông quan. Tổng số thu ngân sách qua Cổng thanh toán điện tử đến ngày 13/12/2022 là 408,8 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 98%, trong đó thu qua Cổng thanh toán điện tử và thông quan 24/7 là 61,34 nghìn tỷ, chiếm 14,7% tổng số thu ngân sách.
Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN: tính đến ngày 01/12/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối.
Trong triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên khác của ASEAN; Phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN để triển khai kết nối trao đổi Tờ khai Hải quan ASEAN (ACDD) theo lộ trình chung của ASEAN; Đang chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật; Trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa các thành viên ASEAN và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai mạnh mẽ và quyết liệt cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; triển khai Hải quan số, hướng đến mô hình Hải quan thông minh với mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, chú trọng đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nghiêm các vi phạm về sở hữu trí tuệ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và minh bạch.