'Xuất nhập khẩu khả quan là kết quả của chiến lược hội nhập'
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định kim ngạch thương mại khả quan là kết quả của chiến lược hội nhập với những bước đi mạnh bạo, kiên quyết thời gian qua.
Trong buổi chia sẻ đầu năm mới với Zing.vn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhắc lại câu nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, khi nhận được các câu hỏi về thành tích của ngành công thương trong năm 2019.
Người đứng đầu Bộ Công Thương, được coi là “siêu bộ” khi quản lý những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế là công nghiệp và thương mại, tỏ rõ sự am hiểu trong từng lĩnh vực được hỏi. Ông vừa nêu ra những giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, vừa xây dựng được nền công nghiệp trong nước vững mạnh.
Cuối bài phỏng vấn, ông chia sẻ dù bận rộn với công việc nhưng luôn ao ước sẽ có thời gian để ra được một cuốn sách ảnh. Trong cuốn sách đó, ông sẽ chia sẻ niềm đam mê chụp ảnh từ hồi trẻ, kèm theo những câu chuyện được kể qua những tấm hình.
- Xuất nhập khẩu năm 2019 đã đạt được kết quả rất tích cực. Kim ngạch xuất khẩu đạt 262,5 tỷ USD, tăng 8,1% so với 2018; nhập khẩu đạt 248,5 tỷ USD, tăng 7%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt mức 514 tỷ USD; xuất siêu gần 11 tỷ USD.
Kết quả này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc. Xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng bảo hộ mậu dịch, bảo hộ sản xuất trong nước ngày một gia tăng.
Đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, trước hết là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, chính quyền các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ.
Kết quả trên cũng khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước coi xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai là thành công của công tác phát triển thị trường, thông qua việc đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương cũng thư việc thực thi.
Thứ ba là công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương luôn đi đầu trong cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh.
Thứ tư là công tác phối hợp trong tháo gỡ rào cản để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường lớn.
Thứ năm là trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư đã tạo tiền đề để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngành sản xuất, qua đó tạo nguồn hàng có chất lượng, có năng lực cạnh tranh hơn phục vụ xuất khẩu.
- Trong năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại. Bộ đã tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan kết thúc đàm phán và ký kết các FTA; thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại.
Kết quả xuất nhập khẩu khả quan thời gian qua cũng chính là kết quả trực tiếp của chiến lược hội nhập với những bước đi rất mạnh bạo, kiên quyết, thống nhất xuyên suốt và rõ ràng bằng việc có 12 FTA đang được triển khai thực hiện.
Để tổ chức thực thi hiệu quả các hiệp định, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)…
Bên cạnh đó, Bộ cũng tham gia có hiệu quả các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp để trao đổi với các đối tác thương mại các vấn đề liên quan đến mở cửa thị trường, rào cản kỹ thuật, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh thương mại hai chiều.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng công tác thông tin thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các rào cản để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường.
Tuy nhiên, công tác phát triển thị trường cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, trong khi nhiều nước nhập khẩu chính đang theo đuổi các chương trình thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần nhập khẩu làm tổng cầu cũng không mạnh mẽ, kéo theo cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản, thủy sản ngày càng tăng.
Nhiều nước có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, tăng cường sử dụng rào cản thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước gây khó khăn nhất định cho hoạt động xuất khẩu. Việc các nước áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe cũng gây khó khăn cho công tác phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, mặc dù xuất khẩu có nhiều khả năng tăng trưởng nhờ FTA tuy nhiên nếu không giải quyết được vấn đề về kiểm dịch động, thực vật, kiểm dịch vệ sinh an toàn chất lượng thì xuất khẩu cũng khó có đột biến.
Công tác phát triển thị trường muốn làm tốt, có hiệu quả, cần sự đồng lòng, chung sức của các bộ, ngành, triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu tổ chức sản xuất, tổ chức xuất khẩu, xúc tiến, mở rộng thị trường, tăng cường thông tin thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật.
Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán để hàng nông sản Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường, qua đó, mới tận dụng được các ưu đãi về cắt giảm thuế quan mà các FTA mang lại.
- Thưa Bộ trưởng, ông có thể chỉ ra những thách thức cho Việt Nam trong năm 2020 và các năm tiếp theo khi xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng phổ biến trên thế giới.
- Dù đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu, trong thời gian tới Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn, đặc biệt là những xu hướng mới của bảo hộ mậu dịch, ở mức độ tinh vi và khó lường hơn trước rất nhiều.
Bảo hộ mậu dịch làm hàng hóa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn hàng hóa sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu. Cầu nhập khẩu giảm kéo theo cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng gay gắt và giá nông sản giảm mang lại những bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và một số sản phẩm công nghiệp nhẹ, vốn là thế mạnh của Việt Nam, hàng rào bảo hộ sẽ là thách thức lớn. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của ta tuy có nhiều bước tiến nhưng nhiều nơi vẫn áp dụng tập quán sản xuất cũ như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý, không đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch...
- Xung đột thương mại Mỹ - Trung, hai đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, sẽ ảnh hưởng như thế nào trong các năm tiếp theo? Chúng ta có biện pháp gì để giảm xuất siêu vào Mỹ hay không?
- Xung đột thương mại Mỹ - Trung có tác động lên thương mại toàn cầu, trong đó tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Mỹ, Trung Quốc mà trên cả các thị trường thứ ba.
Tác động nhìn chung là đa chiều, có cả những thuận lợi. Tuy nhiên ngay từ khi xung đột thương mại bắt đầu, Bộ Công Thương đã đánh giá, nhìn nhận là mặt khó khăn, thách thức cho xuất nhập khẩu của ta là nhiều hơn.
Kết quả xuất khẩu năm 2019 đã chứng kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm (xuất khẩu sang Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 37,2 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước).
Với những biến động kinh tế ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc cũng chịu những tác động tiêu cực. Việc các doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, lao động dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc giảm. Điển hình là xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện giảm. Đồng nhân dân tệ suy yếu khiến hàng hóa của Việt Nam gặp bất lợi khi xuất khẩu sang thị trường này.
Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu thời gian qua tăng mạnh và tập trung ở các mặt hàng máy móc thiết bị; điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; da giày; túi xách vali; gỗ và sản phẩm từ gỗ…
Xuất khẩu tăng mạnh một phần đến từ kết quả thu hút đầu tư vào sản xuất hướng đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ những năm trước, một phần đến từ việc khai thác các cơ hội thị trường do hàng hóa Trung Quốc giảm tính cạnh tranh tại thị trường Mỹ sau khi xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn ra.
Việc xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian gần đây dẫn đến xuất siêu tăng nhanh, đòi hỏi cần các nỗ lực hợp tác với phía bạn để đảm bảo thương mại 2 chiều tiếp tục thuận lợi.
Bên cạnh đó là sự gia tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa. Mỹ là nước cho phép nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ. Do vậy, thách thức này đòi hỏi các bộ, ngành triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trong đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ Công Thương cũng chủ động trao đổi, thông tin với phía Mỹ chủ trương cũng như các giải pháp của Việt Nam nhằm chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo tích cực tìm kiếm thêm các thị trường mới, khai thác hiệu quả những lợi ích từ các FTA đã ký kết; mặt khác, đảm bảo ổn định thị trường, củng cố và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
- Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều lên, nhất là đối với một số sản phẩm đang trong tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu.
Chính phủ kiên quyết ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết đã ký kết.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có nhiều biện pháp xử lý và đấu tranh với vấn đề này.
Thứ nhất, chúng tôi sẽ rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa nhằm tăng tính răn đe.
Thứ hai, ban hành các văn bản xử lý một số vấn đề cấp bách như thông tư quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất Mỹ; thông tư về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu…
Thứ ba, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trong đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã được Thủ tướng phê duyệt.
- Vấn đề năng lượng luôn được dư luận quan tâm, đặc biệt là tình trạng cung ứng điện. Có ý kiến cho rằng Việt Nam đi ngược xu hướng thế giới khi tăng nhiệt điện than. Theo ông, chúng ta có đi ngược hay không? Với bối cảnh Việt Nam hiện tại, liệu có bỏ được nhiệt điện than?
- Các dạng phát điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời là dạng nguồn phát với chi phí nhiên liệu bằng không, không gây ô nhiễm môi trường và là giải pháp chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh ưu điểm, các nguồn điện gió và mặt trời có những nhược điểm gây khó khăn cho việc vận hành hệ thống.
Về ổn định hệ thống điện, với đặc tính phát điện phụ thuộc nhiều vào điều kiện bức xạ mặt trời, tốc độ gió, sẽ có những thời điểm công suất phát từ các nguồn này bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn trên diện rộng.
Nếu hệ thống không bù đắp được lượng công suất thiếu hụt đó, tần số hệ thống sẽ bị sụt giảm dẫn tới nguy cơ mất ổn định. Hơn nữa các nguồn năng lượng tái tạo thường cách ly với hệ thống qua bộ chuyển đổi nên không tham gia được vào quá trình giảm dao động của hệ thống. Vì vậy hệ thống có nguy cơ mất ổn định và dao động nhiều hơn.
Về chất lượng điện năng, do thay đổi đột ngột công suất phát của các nguồn năng lượng tái tạo ảnh hưởng đến điện áp của hệ thống.
Về an ninh cung cấp điện, khi tỷ lệ thâm nhập của năng lượng tái tạo tăng lên (thay thế các nguồn truyền thống) thì yêu cầu về nguồn dự phòng cân bằng cũng phải tăng lên để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Hơn nữa dù tỷ trọng công suất đặt của nguồn tái tạo tăng lên nhưng sản lượng cung ứng được cho hệ thống ở mức hạn chế nên khả năng đóng góp vào an ninh cung cấp điện không cao.
Để khắc phục nhược điểm nêu trên, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo cần xác định tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với từng hệ thống điện và xây dựng hệ thống truyền tải đồng bộ. Đồng thời phải phát triển thêm các nguồn dự phòng điều tần, các giải pháp tích trữ như pin tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng…
- Việc phát triển điện mặt trời, gió… là hướng đi được nhiều người ủng hộ, tuy nhiên cũng bộc lộ một số nhược điểm như giá thành cao, đường truyền tải hạn chế, chưa có quy chuẩn… Bộ có định hướng gì để phát triển nguồn năng lượng này trong tương lai?
- Trong thời gian qua, cơ chế ưu đãi giá bán điện cố định của Chính phủ đã bước đầu tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào sản xuất điện năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời).
Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000 MW điện mặt trời và gần 500 MW điện gió được lắp đặt và đi vào vận hành. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng huy động nguồn lực tư nhân, khi Chính phủ có chính sách thu hút đầu tư hợp lý.
Trong bối cảnh các nước OECD hạn chế cho vay đầu tư xây dựng nhà máy điện than, việc thu hút được lượng vốn đầu tư vào hạ tầng ngành điện cụ thể là nguồn điện là một thành công đang kể.
Thêm vào đó, trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các nguồn điện lớn khác cần thời gian hoàn thành dài, chậm tiến độ, trong khi phụ tải tiếp tục tăng nhanh, yêu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển ngày càng lớn, nguồn điện năng lượng tái tạo càng có ý nghĩa quan trọng.
Ngoài ra, việc phát triển các dự án điện mặt trời cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và công nghệ về điện mặt trời; tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về điện mặt trời ở Việt Nam, khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp.
Trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tạp trung vào các nội dung chính là: Chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.