Xuất nhập khẩu ngày 7-9/11: Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 'sốc', thị trường cá tra đang 'ấm dần'
Xuất khẩu mực, bạch tuộc bật tăng gần 50%, nhu cầu thịt lợn tiếp tục tăng, thị trường cá tra đang cải thiện rõ nét... là những tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 7-9/11.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc bật tăng gần 50%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đứng thứ 5 của Việt Nam, chiếm 7,8% tỷ trọng. Sau khi giảm 45% trong quý I/2020, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 13 triệu USD trong quý III/2020, tăng 43,8% so với quý III/2019.
Lũy kế trong 9 tháng, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc đạt 30,9 triệu USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ 2019. Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong quý III/2020 và 9 tháng đầu năm nay.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới, nhu cầu tiêu thụ mực, nhất là mực khô, nướng có xu hướng tăng mạnh ở Trung Quốc cũng như ở tất cả các thị trường nhập khẩu. Nhập khẩu mực chế biến và mực khô, nướng vào Trung Quốc từ Việt Nam tăng lần lượt 121% và 146% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng 47% trong nhập khẩu bạch tuộc chế biến từ Việt Nam.
Thị trường Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các sản phẩm như mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực ống đã phân loại đông lạnh, mực tẩm bột Tempura đông lạnh, mực khô, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh...
Nhu cầu thịt lợn tiếp tục tăng vào cuối năm
Tại miền Bắc, khu vực có giá lợn hơi thấp nhất cả nước đang giảm nhẹ khoảng từ 66.000 - 68.000 đồng/kg Tại tỉnh Ninh Bình giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg xuống 68.000 đồng/kg, các nơi như Hà Nội, Hưng Yên, Yên Bái… giảm 1.000 đồng/kg. Tuyên Quang là nơi có giá lợn hơi thấp nhất toàn miền Bắc 66.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi biến động không đồng đều, ở mức 67.000 - 74.000 đồng/kg. Tại Thừa Thiên Huế giá lợn hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên 74.000 đồng/kg, nhưng tại Quảng Nam, Lâm Đồng, Nghệ An lại giảm 2.000 đồng/kg, dao động trên dưới 72.000 đồng/kg.
Tại miền Nam giá lợn hơi tương đối ổn định, trong khoảng 72.000 - 77.000 đồng/kg. Đây cũng là nơi có giá lợn hơi cao nhất cả nước. Tại Vĩnh Long giá lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg. Các tỉnh Bình Dương, Cần Thơ, Bạc Liêu Bình Phước, Đồng Nai, HCM giá khoảng 72.000 - 75.000 đồng/kg. Tại Long An và Tiền Giang giá thịt lợn hơi cao nhất khu vực phía Nam 77.000 đồng/kg.
Sau những ngày giá lợn hơi giảm do lo ngại dịch tả lợn châu Phi tái phát, giá lợn hơi đã quay đầu tăng trở lại, miền Nam vẫn là khu vực có giá thịt lợn cao nhất cả nước vào thời điểm này dù đây là điểm phát hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi mới.
Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu thịt lợn tiếp tục tăng vào cuối năm và Tết Nguyên đán. Thịt lợn nhập khẩu vẫn chưa thay thế được thịt lợn trong nước do thói quen về tiêu dùng, do đó thịt lợn có xu hướng tăng giá dần từ nay đến cuối năm.
Thị trường cá tra đang "ấm dần"
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kể từ tháng 9 tới nay, thị trường xuất khẩu cá tra đã có sự cải thiện rõ rệt khi đơn hàng xuất khẩu mới của doanh nghiệp được khởi động nhiều hơn.
Điển hình là ngày 30/10 vừa qua lô hàng cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao để xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), Nam Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc,… đã được Công ty CP Nam Việt công bố lô hàng cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao. Dự kiến mỗi tháng, Nam Việt xuất khẩu từ 300-350 container sang các thị trường này.
Cùng sự hồi phục đơn hàng của từng doanh nghiệp thì ở các thị trường như Anh, Singapore… cũng khởi sắc đáng kể. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, thị trường Anh đã có sự bứt phá mạnh trong thời gian qua, trong đó chỉ riêng tháng 9/2020, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 4,8 triệu USD, tăng 68,4%. Như vậy, tính đến quý III/2020, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 30,78 triệu USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, thị trường xuất khẩu cá tra có sự cải thiện đã tác động tích cực tới giá cá tra. Cụ thể là từ cuối tháng 10/2020, giá cá tra loại 0,7- 0,8 kg/con tại Đồng Tháp đã tăng lên mức 21.800 - 22.500 đồng/kg, tăng bình quân từ 500 - 700 đồng/kg so với tháng 9/2020, giá cá tra bột cỡ 28 - 35 con/kg và loại 50 - 60 con/kg cũng tăng lên mức từ 22.000 - 24.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Nhiều doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu để chế biến, chuẩn bị phục vụ nhu cầu thị trường được dự báo tăng cao trong những tháng cuối năm. Đây là tín hiệu tích cực của giá cá tra nguyên liệu bởi trước đó trong suốt thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2020 giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang chỉ dao động từ 18.500 - 19.000 đồng/kg.
Ngoài ra, giá cá tăng còn do nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương đang có phần hạn chế vì thời gian qua nhiều người dân đã giảm diện tích nuôi hoặc nuôi với mật số thấp. Dự báo, giá cá tra nguyên liệu nhiều khả năng còn tăng trong thời gian tới, từ đó tác động tới tâm lý người nuôi, giúp họ yên tâm hơn trong sản xuất.
Ngành gỗ thu về trên 1 tỷ USD mỗi tháng
Thông tin cập nhật mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10/2020 ước đạt 1,15 tỷ USD, đưa trị giá xuất khẩu mặt hàng này 10 tháng năm 2020 đạt 9,64 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020, chiếm 77,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Đáng chú ý, trong 4 tháng liên tiếp trở lại đây, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn đạt trên 1 tỷ USD/tháng, xu hướng tăng dần qua các tháng.
Dự báo, những tháng cuối năm 2020, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào các vùng thị trường tiếp tục có những cơ hội để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng.
Đó là bởi thị trường nhà ở, căn hộ vẫn tiếp tục phát triển. Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội ngoại thất, tủ bếp tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, thị trường EU về gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng phục hồi từ tháng 8/2020 cũng mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những tháng cuối năm.
Một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhận định, để đạt được các mục tiêu xuất khẩu năm 2020 và hướng đến phát triển bền vững ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ trong tương lai, các tác nhân trong ngành cần chủ động, tích cực phòng ngừa kiểm soát các rủi ro về nguồn gốc nguyên liệu gỗ theo các Quy định trong Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bên cạnh đó, cùng với phát triển vùng nguyên liệu trong nước, cần tận dụng tốt những cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại (giảm thuế, thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng…) để gia tăng tiếp cận, sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ châu Âu, các nước có chất lượng gỗ tốt, nguồn gốc rõ ràng.